Bạn có thể nâng cao trí tuệ: 5 cách để phát huy tối đa năng lực tư duy của bạn


"Con người không nên theo đuổi những mục tiêu dễ dàng. Con người nên hình thành thói quen luôn hướng tới những mục tiêu khiến mình phải nỗ lực hết sức."

Albert Einstein

Dù không phải là nhà khoa học về thần kinh nhưng Einstein chắc chắn biết rằng ông đang đề cập đến năng lực của con người. Bằng trực giác, ông đã nhận ra việc chúng ta cần làm để phát triển tối đa năng lực tư duy - điều này hiện nay chúng ta đã có thể chứng minh được bằng dữ liệu. Nói ngắn gọn là: Điều gì không giết chết bạn sẽ giúp bạn thông minh hơn.

Khoảng vài năm trước đây, một giáo sư của tôi chia sẻ với tôi rằng con người chúng ta không có nhiều quyền kiểm soát trí thông minh của mình. Trí thông minh có tính chất di truyền, nghĩa là được ấn định khi sinh ra. Ông giải thích rằng những cố gắng nâng cao trí thông minh của trẻ em (thông qua các chương trình như Head Start chẳng hạn) đã không thành công trong quá trình triển khai, và hơn nữa, một khi quá trình "đào tạo" dừng lại, trẻ em sẽ quay trở lại mức độ nhận thức thấp trước đây của chúng . Thực ra, đã có số liệu chứng minh luận điểm này [xem thêm], và ông (cùng với nhiều nhà nghiên cứu về trí tuệ khác) kết luận rằng trí thông minh không thể cải thiện được - ít nhất là không tạo ra một thay đổi dài hạn.

Nhưng mà, tôi không đồng ý.

Bạn biết không, trước khi tôi gặp vị giáo sư đó, tôi đã từng là một Nhà trị liệu Hành vi, hỗ trợ trẻ nhỏ về Rối loạn phổ tự kỷ. Những đứa trẻ này có các khuyết tật về nhận thức khác nhau - công việc của tôi là hỗ trợ chúng cải thiện bất kì năng lực bị thiếu hụt nào để các bé có thể tư duy và hoạt động ở cùng một mức độ gần bằng nhất có thể với các bạn đồng lứa. Khi trị liệu tôi ứng dụng rất nhiều phương pháp, được biết với tên gọi là Dạy học Đa phương thức (sử dụng càng nhiều phương thức nạp thông tin càng tốt), để biến mục tiêu này thành hiện thực.

Một trong những khách hàng đầu tiên của tôi là một cậu bé mắc chứng PDD-NOS (Rối loạn phát triển lan tỏa-Không xác định khác), một dạng tự kỷ nhẹ. Khi bắt đầu trị liệu, chúng tôi đo chỉ số IQ và bé đạt số điểm thấp ở mức 80 - gần ngưỡng được coi là chậm phát triển trí tuệ. Sau khi tôi hỗ trợ bé khoảng ba năm— một kèm một, giảng dạy cho bé về các lĩnh vực như giao tiếp, tập đọc, toán, hoạt động xã hội, kỹ năng chơi, hoạt động giải trí — sử dụng các kỹ thuật đa phương thức [xem thêm] — cậu bé đã được kiểm tra lại. Điểm IQ của cậu cao hơn 100 khá nhiều (mức 100 được xem là "trung bình" so với mặt bằng chung). Đó là mức tăng 20 điểm, mức tăng này cao hơn một mức cải thiện tiêu chuẩn của một đứa trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ!

Cậu bé ấy không phải là đứa trẻ duy nhất mà tôi chứng kiến có những tiến bộ vượt bậc trong thời gian tôi làm bác sĩ trị liệu. May mắn thay, tôi thấy nhiều đứa trẻ khác phát triển nhảy vọt — không phải do phép thuật, và thậm chí không phải do uống thuốc, và có số liệu để chứng minh sự thành công của các bé. Tôi nghĩ - nếu những đứa trẻ gặp trở ngại nghiêm trọng trong học tập này có thể đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc như vậy, và sự tiến bộ đó tác động tích cực lên mọi hoạt động nhận thức khác của chúng - tại sao một người bình thường lại không thể đạt được những thành tựu như vậy? Hoặc thậm chí có những tiến bộ mạnh mẽ hơn, vì họ không đối diện với khó khăn khác của chứng rối loạn phổ tự kỷ?

Mặc dù số liệu từ những nghiên cứu ban đầu đó cho kết quả khiêm tốn, nhưng tôi không nản lòng. Tôi vẫn tin rằng có thể làm tăng đáng kể chức năng nhận thức của bạn với một chương trình đào tạo thích hợp — vì tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó qua công việc trị liệu của mình.

Sau đó đến năm 2008, một nghiên cứu rất thú vị đã được công bố, Cải thiện trí thông minh mềm (Fluid intelligence) bằng việc nâng cao trí nhớ khi đang làm việc, của Jaeggi, Buschkuehl, Jonides và Perrig. Công trình này là một bước ngoặt đối với những người đang nghiên cứu về chủ đề này. Họ là những người đầu tiên chứng minh rằng có thể thực sự tăng trí thông minh của bạn lên một mức độ đáng kể thông qua đào tạo. Họ đã làm gì khác?

Các đối tượng trong nghiên cứu của Jaeggi đã được đào tạo làm việc chuyên sâu, đa phương thức (bằng phương thức nghe nhìn là chủ yếu) với các nhiệm vụ liên quan đến trí nhớ (n-nhiệm vụ kép) [1] vào các khoảng thời gian khác nhau, trong một hoặc hai tuần, tùy thuộc vào từng nhóm nghiên cứu. Sau khóa đào tạo này, họ sẽ được kiểm tra xem mức độ cải thiện là bao nhiêu. Đúng như mong đợi, sau khi được đào tạo, điểm số của họ trong nhiệm vụ đó đã cao hơn. Nhưng các chuyên gia còn thực hiện thêm một bước xa hơn. Họ muốn xem liệu những lợi ích thông qua các nhiệm vụ đào tạo đó có thể dẫn đến sự gia tăng kỹ năng trong một bài kiểm tra hoàn toàn khác về khả năng nhận thức hay không, điều này sẽ chứng mình được sự cải thiện khả năng nhận thức một cách toàn diện. Họ đã tìm thấy gì?

Sau khi rèn luyện trí nhớ ngắn hạn bằng bài kiểm tra n-nhiệm vụ kép, các đối tượng thực sự có thể chuyển hoá những lợi ích vừa có được thành những cải thiện đáng kể ở một nhiệm vụ nhận thức hoàn toàn không liên quan khác. Đây là một phát hiện chấn động.

Dưới đây là biểu đồ kết quả toàn bộ quy trình của cuộc nghiên cứu thực nghiệm



"Trí thông minh" là gì?

Trước tiên hãy để tôi giải thích ý của tôi khi tôi nói về "trí thông minh". Nói rõ hơn, tôi không chỉ nói tới khối lượng dữ kiện hoặc kiến thức mà bạn có thể tích lũy thêm, hay còn gọi là trí thông minh cứng (crystalized intelligence) — trí thông minh không phải là đào tạo khả năng nói năng lưu loát hay khả năng ghi nhớ — mà thực ra gần như là ngược lại. Tôi đang nói về việc tăng trí “thông minh mềm” của bạn, tức là năng lực học thông tin mới, lưu giữ nó, và sau đó sử dụng kiến thức mới đó làm nền tảng để giải quyết vấn đề tiếp theo hoặc học kỹ năng mới tiếp theo, v.v.

Tiếp theo, dù trí nhớ ngắn hạn không đồng nghĩa với trí thông minh, trí nhớ ngắn hạn có sự tương quan lớn với trí thông minh. Để tạo ra một kết quả thông minh, việc có một bộ nhớ ngắn hạn là điều tối quan trọng. Do đó để sử dụng hết công suất trí thông minh của bạn, việc cải thiện trí nhớ ngắn hạn của bạn sẽ giúp ích đáng kể cho điều này — giống như việc sử dụng các linh kiện tốt nhất và mới nhất sẽ giúp một cái máy hoạt động ở mức cao nhất.

Nghiên cứu này đem lại bài học gì? Nghiên cứu này rất đáng lưu tâm vì những phát hiện sau:

  1. Trí thông minh mềm có thể luyện tập được
  2. Quá trình đào tạo và những thành quả tiếp theo phụ thuộc vào liều lượng - tức là bạn càng luyện tập, bạn càng có nhiều lợi ích
  3. Bất cứ ai cũng có thể tăng khả năng nhận thức của mình, bất kể xuất phát điểm của bạn ở đâu.
  4. Có thể đạt được hiệu quả bằng cách luyện tập các nhiệm vụ mà chúng không hề giống với các câu đã được kiểm tra.

Làm thế nào tôi có thể sử dụng kết quả của nghiên cứu này vào thực tế để mang lại lợi ích cho chính mình?

Có một lý do tại sao n-nhiệm vụ kép (dual n-back) rất thành công trong việc tăng khả năng nhận thức. Nó liên quan đến việc phân chia sự chú ý của bạn giữa các kích thích cạnh tranh nhau, đa phương thức (một đến thị giác, một đến thính giác). Nó yêu cầu bạn phải tập trung vào những chi tiết cụ thể và bỏ qua những thông tin không liên quan, điều này dần giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn của bạn, từ đó tăng khả năng xử lý thông tin một cách đa nhiệm và hiệu quả hơn theo thời gian. Ngoài ra, kích thích liên tục được chuyển đổi, vì vậy không bao giờ có hiện tượng "vô lò luyện thi" - các kích thích luôn khác biệt. Nếu bạn chưa bao giờ thực hiện bài kiểm tra n-nhiệm vụ kép, hãy để tôi nói với bạn điều này: Nó khó như quỷ. Tôi chẳng ngạc nhiên khi tôi nâng cao được tư duy rất nhiều từ việc luyện hoạt động này.

Tuy nhiên, hãy suy nghĩ thực tế hơn nào.

Cuối cùng bạn sẽ hết thẻ hình hay dải âm (thử nghiệm kéo dài 2 tuần), và vì vậy trong thực tế chẳng ai lại nghĩ rằng chỉ một bài n-nhiệm vụ kép là đủ để tăng năng lực tư duy của mình trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán và ngừng luyện. Tôi biết chắc là tôi sẽ dừng. Chưa kể đến thời gian mà bạn cần dành ra để luyện — chúng ta ai cũng bận rộn! Vì vậy, chúng ta cần nghĩ cách mô phỏng các kiểu luyện não hạng nặng tương tự như trên — sử dụng đa phương thức — mà có thể áp dụng cho cuộc sống hằng ngày và vẫn đều đặn đem đến những lợi ích tối đa, để giúp chúng ta có được sự phát triển về nhận thức.

Xem xét hết tất cả các điều kiện này, tôi đã đưa ra năm yếu tố chính liên quan đến việc tăng trưởng trí thông minh mềm, hoặc năng lực nhận thức. Như đã nói ở trên, sẽ không thực tế nếu như liên tục thực hành n-nhiệm vụ kép hoặc các bài tập tương tự mỗi ngày đến cuối đời để nâng cao năng lực tư duy. Tuy nhiên, sẽ không quá viển vông nếu như bạn có thể thay đổi lối sống để có được những lợi ích tương tự, thậm chí còn nhiều hơn. Những điều dưới đây thể được thực hiện hàng ngày để giúp bạn luyện não toàn diện với cường độ cao, đồng thời nâng cao năng lực nhận thức tổng thể của bạn.


5 nguyên tắc chính bao gồm:

  1. Tìm kiếm sự mới lạ
  2. Thách thức chính mình
  3. Tư duy sáng tạo
  4. Làm theo cách khó (hơn)
  5. Kết nối với người khác

Làm một trong những điều trên thôi đã đủ tốt rồi, nhưng nếu bạn thực sự muốn đạt tới năng lực nhận thức tốt nhất của mình, bạn nên làm cả năm và càng thường xuyên càng tốt. Trên thực tế, tôi sống với năm nguyên tắc này. Nếu bạn xem những nguyên tắc này là những nguyên tắc cơ bản, tôi đảm bảo bạn sẽ hoạt động ở khả năng cao nhất của mình, vượt qua cả những gì bạn từng nghĩ bạn có thể đạt được — mà không cần một sự can thiệp bên ngoài nào khác. Chưa hết đâu: Khoa học đã chứng minh những nguyên tắc này bằng cách các số liệu!

1. Tìm kiếm sự mới lạ

Không phải ngẫu nhiên mà những thiên tài như Einstein lại giỏi nhiều lĩnh vực, là một nhà bác học, như cách chúng ta thường gọi. Các thiên tài không ngừng tìm kiếm các hoạt động mới lạ, tìm hiểu một lĩnh vực mới. Đó là tính cách của họ.

Chỉ có một đặc điểm tính cách trong "Big Five" (5 yếu tố quan trọng) từ Mô hình Năm yếu tố của tính cách (Viết tắt: OCEAN, hoặc Openness-Cởi mở, Conscientiousness- Tự chủ, Extroversion-Hướng ngoại, Agreeableness- Hoà đồng và Neuroticism-Nhạy cảm) tương quan với chỉ số IQ và đó là Cởi mở với cái mới. Những người có Tính cởi mở cao thường xuyên tìm kiếm thông tin mới, tham gia hoạt động mới, học hỏi những điều mới — tựu trung là họ tìm kiếm những trải nghiệm mới [2].

Khi bạn tìm kiếm sự mới lạ, nhiều thứ thú vị, mới mẻ sẽ bày ra xung quanh bạn. Trước tiên, bạn đang tạo các kết nối thần kinh mới với mọi hoạt động mới mà bạn tham gia. Các kết nối này cùng nhau tích luỹ, giúp gia tăng hoạt động não của bạn, tạo ra nhiều kết nối hơn và bổ sung thêm với các kết nối khác — việc học diễn ra.

Một lĩnh vực được quan tâm trong nghiên cứu gần đây là vai trò của tính dẻo dai của hệ thần kinh dẫn đến sự khác biệt về trí thông minh của từng cá nhân. Độ dẻo dai đề cập đến số lượng kết nối được tạo ra giữa các nơ-ron, điều đó ảnh hưởng như thế nào đến các kết nối tiếp theo và độ bền của các kết nối đó. Về cơ bản, nó có nghĩa là bạn có thể tiếp nhận bao nhiêu thông tin mới và nếu bạn có thể lưu giữ nó, sẽ tạo ra những thay đổi lâu dài cho bộ não của bạn. Thường xuyên tiếp xúc với những điều mới mẻ giúp não bộ của bạn luôn ở trạng thái sẵn sàng học tập.

Sự mới lạ cũng kích hoạt dopamine (tôi đã nói đến vấn đề này trong các bài viết trước đây), chất này không chỉ thúc đẩy động lực của bạn mà còn kích thích sự sản sinh ra các tế bào thần kinh mới - và chuẩn bị cho bộ não của bạn bắt đầu học tập. Tất cả những gì bạn cần làm là cho bộ não đang đói của bạn ăn mà thôi.

Điều kiện học tập xuất sắc = Hoạt động mới lạ —> kích hoạt dopamine —> tạo ra trạng thái có động lực cao hơn —> thúc đẩy sự kết nối và hoàn thiện nơ-ron —> quá trình tạo mới tế bào thần kinh có thể diễn ra + tăng tính linh động của khớp thần kinh (tăng kết nối thần kinh mới hay còn gọi là học hỏi).

Nối tiếp nghiên cứu của Jaeggi, các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển đã phát hiện ra rằng sau 14 giờ rèn luyện trí nhớ ngắn hạn trong 5 tuần, tiềm năng liên kết dopamine loại D1 gia tăng ở các vùng trước trán và vùng đỉnh của não. Thụ thể dopamine đặc biệt này, loại D1, ngoài các tác dụng khác thì nó còn hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển thần kinh. Sự gia tăng tính linh động này giúp thụ thể kết nối nhiều hơn, từ đó tối đa hóa năng lực tư duy của chúng ta.

Bài học thu được: Hãy là một "Einstein". Luôn tìm kiếm các hoạt động mới để thu hút trí óc của bạn — mở rộng tầm nhìn tư duy của bạn. Học một nhạc cụ. Tham gia một lớp học nghệ thuật. Đi đến một viện bảo tàng. Đọc về một lĩnh vực khoa học mới. Hãy là một người nghiện tri thức.

2. Thách thức chính mình

Rất nhiều các bài viết và quảng cáo khủng khiếp nói nhan nhản về cách "rèn luyện bộ não của bạn" để "trở nên thông minh hơn". Khi tôi nói đến "trò chơi rèn luyện trí não", tôi đang nói đến các trò chơi thuộc loại ghi nhớ và lưu loát, nhằm tăng tốc độ xử lý của bạn, v.v., chẳng hạn như Sudoku, thường các bài viết sẽ bảo bạn làm trong "thời gian nhàn rỗi" (xử lý và giải quyết những mâu thuẫn đối nghịch, liên quan đến việc tăng nhận thức). Tôi sẽ phá vỡ một số điều mà bạn đã nghe trước đây về các trò chơi rèn luyện trí não. Đó là: Chúng không hề có tác dụng. Các trò chơi rèn luyện trí não đơn lẻ không giúp bạn thông minh hơn - chúng chỉ khiến bạn trở nên thành thạo hơn trong các trò chơi rèn luyện trí não mà thôi.

Hiện tại, các trò chơi là có mục đích, nhưng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chìa khóa để đạt được lợi ích từ những hoạt động nhận thức đó liên quan đến nguyên tắc đầu tiên là tìm kiếm sự mới lạ. Khi bạn thành thạo một trong những hoạt động nhận thức đó trong trò chơi rèn luyện trí não, bạn cần chuyển sang một trò chơi thử thách tiếp theo. Tìm ra cách chơi Sudoku? Tuyệt quá! Bây giờ chuyển sang loại trò chơi thử thách tiếp theo. Có nghiên cứu hỗ trợ cho luận điểm này.

Một vài năm trước, nhà khoa học Richard Haier muốn xem liệu bạn có thể tăng khả năng nhận thức của mình bằng cách luyện tập với cường độ cao các hoạt động trí óc mới lạ trong khoảng thời gian vài tuần hay không. Họ sử dụng trò chơi điện tử Tetris như một hoạt động mới lạ và sử dụng những người chưa từng chơi trò chơi này trước đây làm đối tượng (tôi hiểu - thật khó để tin rằng vẫn có những người chưa hề chơi trò này trên đời ?!). Những gì họ phát hiện ra, là sau khi luyện tập trong vài tuần với trò chơi Tetris, vỏ não của họ đã có sự gia tăng độ dày , cũng như sự gia tăng hoạt động của vỏ não, thể hiện ở chỗ lượng glucose được sử dụng trong khu vực đó tăng lên. Về cơ bản, bộ não đã sử dụng nhiều năng lượng hơn trong thời gian luyện tập và dày lên - đồng nghĩa với việc có nhiều kết nối thần kinh hơn, hoặc có thêm kiến thức chuyên môn mới học được - sau quá trình luyện tập căng thẳng này. họ đã trở thành chuyên gia chơi Tetris. Điều này rất tuyệt, phải không?

Đây là vấn đề: Sau sự bùng nổ tăng trưởng nhận thức ban đầu đó, họ nhận thấy sự suy giảm cả độ dày vỏ não cũng như lượng glucose được sử dụng trong quá trình đó. Tuy nhiên, họ vẫn giỏi chơi Tetris; kỹ năng của họ không giảm. Các bản quét não cho thấy hoạt động của não ít hơn trong quá trình chơi trò chơi, thay vì nhiều hơn, như những ngày trước. Tại sao giảm? Bộ não của họ trở nên hiệu quả hơn. Một khi bộ não của họ tìm ra cách chơi Tetris và thực sự giỏi nó, nó sẽ trở nên lười biếng. Nó không cần phải làm việc chăm chỉ để chơi tốt trò chơi, vì vậy thay vào đó, năng lượng nhận thức và glucose đã đi đến một nơi khác.

Hiệu quả không phải là người bạn tốt khi nói đến sự phát triển nhận thức. Để giữ cho bộ não của bạn tạo ra các kết nối mới và duy trì chúng hoạt động, bạn cần tiếp tục chuyển sang một hoạt động thử thách khác ngay khi bạn đạt đến điểm thành thạo trong hoạt động mà bạn đang tham gia. Bạn muốn luôn thường xuyên ở trong trạng thái khó chịu nhẹ, vật lộn để đạt được bất cứ điều gì bạn đang cố gắng làm, như Einstein đã ám chỉ trong câu nói của mình. Ý là, điều này sẽ giữ cho bộ não của bạn luôn hoạt động. Chúng ta sẽ quay lại luận điểm này sau.

3. Tư duy sáng tạo

Tư duy sáng tạo sẽ giúp thần kinh của bạn được phát triển, khi nói điều này tôi không hề có ý định sẽ bảo bạn vẽ một bức tranh, hoặc làm một cái gì đó liên quan đến nghệ thuật, mà giống như tôi đã đề cập trong nguyên tắc đầu tiên chính là: Tìm kiếm sự mới lạ. Khi nói về tư duy sáng tạo, nghĩa là tôi đang muốn nói về nhận thức sáng tạo của bạn, và cả quá trình đang diễn ra trong não bộ của bạn.

Trái ngược với những quan niệm thông thường, tư duy sáng tạo không phải là "tư duy bằng bán cầu não phải". Nó liên quan đến sự truy xuất từ cả hai nửa bán cầu não, chứ không chỉ riêng từ phía bán cầu não phải. Nhận thức sáng tạo liên quan đến tư duy khác biệt (trên một loạt các đề tài / chủ đề đa dạng trong đời sống), tạo nên các liên kết từ xa giữa các ý tưởng, sự chuyển đổi qua lại giữa tư duy thông thường và tư duy đột phá (sự linh hoạt trong nhận thức) và tạo ra những ý tưởng nguyên bản, mới lạ nhưng vẫn phù hợp với hoạt động bạn đang làm. Để làm tốt điều này, bạn cần kết hợp làm việc cả hai bán cầu não phải và trái cùng nhau.

Vài năm trước, Tiến sĩ Robert Sternberg, cựu Trưởng khoa tại Đại học Tufts, đã mở Trung tâm PACE (Tâm lý học về Khả năng, Năng lực và Chuyên môn), tại Boston. Sternberg đã thực hiện một nghiên cứu với mục đích không chỉ tìm hiểu khái niệm cơ bản của trí thông minh, mà còn để tìm ra một giải pháp để bất kỳ người nào cũng có thể tối đa hóa trí thông minh của mình thông qua đào tạo, và đặc biệt thông qua việc giảng dạy trong trường học.

Tại đây Sternberg mô tả các mục tiêu mà Trung tâm PACE hướng tới, được bắt đầu tại Yale:

Sternberg lý giải: "Ý tưởng cơ bản của trung tâm là chứng minh rằng khả năng của con người không hề cố định mà thay vào đó khá là linh hoạt, và hoàn toàn có thể điều chỉnh được và bất kỳ ai cũng có thể biến khả năng thành năng lực và từ năng lực thành chuyên môn."

Dự án cầu vồng (The Rainbow Project) - một dự án nằm trong đề tài nghiên cứu, đã được Sternberg dùng để tạo ra không chỉ các phương pháp giảng dạy sáng tạo trong lớp học, mà còn tạo ra các quy trình đánh giá kiểm tra học sinh theo cách khiến họ suy nghĩ về các vấn đề theo lối sáng tạo và thực tế nhất, cũng như biết vận dụng kỹ năng để phân tích một vấn đề, thay vì chỉ đơn thuần ghi nhớ chúng.

Sternberg giải thích

"Trong Dự án cầu vồng (The Rainbow Project), chúng tôi đã tạo ra các bài kiểm tra về khả năng sáng tạo, sự ứng dụng thực tế cũng như khả năng phân tích của học sinh. Ví dụ một bài kiểm tra sáng tạo mà chúng tôi đã đưa cho các học sinh của mình: "Đây là một bộ phim hoạt hình. Hãy đặt tựa đề cho nó.' Một lần khác để để kiểm tra thực tế khả năng ứng dụng của học sinh, chúng tôi đã bảo các em hãy hình dung về một thước phim mà mình là một nhân vật đang bước vào một bữa tiệc, nhìn xung quanh, không quen biết ai và điều đó khiến họ cảm thấy không thoải mái. Học sinh đó nên làm gì?"


Sternberg muốn tìm hiểu xem liệu bằng cách dạy học sinh suy nghĩ sáng tạo (và thực tế) về một vấn đề, cũng như việc giúp họ ghi nhớ, thì ông có thể khiến họ (i) Khám phá nhiều hơn về chính chủ đề họ đang tiếp xúc, (ii) Học tập vui vẻ hơn và (iii) Chuyển đổi, liên kết các kiến thức thu được sang các lĩnh vực học khác không. Và ông muốn xem liệu bằng cách thay đổi phương pháp giảng dạy và kiểm tra, ông có thể ngăn chặn việc "giảng dạy để đối phó với các bài kiểm tra" và khiến học sinh thực sự có thể trau dồi những cái được học và hiểu biết thêm hay không. Ông đã thu thập dữ liệu cho việc nghiên cứu này, khi làm thực nghiệm với một cậu bé và cậu ấy đã đạt được một kết quả tuyệt vời.

Tóm lại? Đa số các sinh viên trong nhóm kiểm tra (những người được dạy bằng phương pháp tư duy sáng tạo) luôn nhận được điểm đánh giá cao hơn ở đại học so với nhóm các bạn khác được giảng dạy và đánh giá bởi các phương pháp truyền thống. Nhưng để mọi thứ được công bằng, ông cũng đã cho nhóm sinh viên của mình thực hiện các bài kiểm tra cùng một loại bài mà các sinh viên thường xuyên phải thực hiện (một bài kiểm tra trắc nghiệm), và kết quả cho thấy họ cũng đạt điểm cao hơn ở bài kiểm tra đó. Điều đó có nghĩa là họ đã có thể chuyển đổi những kiến thức mình có được bằng cách sử dụng các phương pháp được giảng dạy sáng tạo, đa phương thức để đạt điểm cao hơn trong một bài kiểm tra và họ cũng có nhận thức hoàn toàn khác nhau về mục đích của việc học, cái mà cần đạt được sau khi cùng đọc xong một loại tài liệu với các bạn khác. Nghe đến đây bạn có cảm thấy quen không?

4. Làm theo cách khó (hơn)

Tôi đã đề cập trước đó rằng hiệu quả không phải là một người bạn tốt giúp bạn tăng trí thông minh của mình. Thật không may, nhiều thứ trong cuộc sống của chúng ta chỉ tập trung vào việc cố gắng làm cho mọi thứ trở nên hiệu quả hơn. Điều này có thể giúp chúng ta làm nhiều việc hơn, trong một khoảng thời gian ngắn hơn, tiêu thụ ít nhất năng lượng về mặt thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, điều này không có bất kỳ lợi ích nào cho việc phát triển trí tuệ não bộ của chúng ta cả.

Ví dụ về một đối tượng hiện đại và tiện lợi, GPS chẳng hạn. GPS là một phát minh tuyệt vời. Tôi là một trong những người được thừa hưởng sự phát minh đó. Bởi vì khả năng nhận biết phương hướng của tôi rất tệ hầu như lúc nào tôi cũng bị lạc. Vì vậy, sự xuất hiện của GPS đối với tôi, giống như một sự cứu rỗi mầu nhiệm. Nhưng bạn biết không? Sau khi sử dụng GPS trong một khoảng thời gian ngắn, tôi nhận thấy cảm giác bị mất phương hướng của tôi thậm chí càng tồi tệ hơn. Bây giờ nếu không có nó, tôi thậm chí còn dễ bị lạc hơn trước. Vì vậy, khi chuyển đến Boston - thành phố đã từng ám ảnh tôi bởi những cơn ác mộng lạc đường, những chuỗi ngày mù đường đó hệt như những thước phim kinh dị xảy ra sống động trong đời mình mà một lát nữa đây tôi sẽ kể cho bạn nghe về nó – điều đã khiến tôi quyết định ngừng sử dụng GPS.

Tôi không hề phóng đại mọi thứ - vì thực sự nó kinh khủng như địa ngục. Tôi đã nhận được một công việc mới và công việc này yêu cầu tôi phải đi vòng quanh các vùng ngoại ô của Boston, và tôi đã bị lạc mỗi ngày trong ít nhất 4 tuần liền. Tôi bị lạc nhiều đến nỗi mà tôi nghĩ rằng mình sẽ bị mất việc do luôn đến công ty muộn (công ty thậm chí đã cảnh báo tôi như thế). Nhưng - theo thời gian, tôi bắt đầu học cách mò đường theo cách của riêng mình, nhờ vào những lần trải nghiệm thực tế tôi đã xác định được phương hướng chỉ bằng một tấm bản đồ và bộ não yêu quý của mình. Tôi thực sự bắt đầu hiểu rõ mọi vị trí ở Boston chỉ bằng việc sử dụng logic và bộ nhớ của mình chứ không phải GPS. Tôi vẫn có thể nhớ được mình đã tự hào như thế nào vào ngày một người bạn trong thị trấn đến thăm, và tôi đã dễ dàng tìm thấy khách sạn của anh ấy ở trung tâm thành phố chỉ với một cái tên và một lời mô tả vị trí từ người bạn ấy – nó thậm chí còn không phải là một địa chỉ. Sự kiện đó hệt như tôi đã tốt nghiệp một ngôi trường về xác định phương hướng vậy.

Công nghệ có thể nói đã đóng góp rất nhiều trong việc làm cho mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn, nhưng đôi khi chính công nghệ lại làm cho các kỹ năng và khả năng nhận thức của con người bị ảnh hưởng và thậm chí có hại về lâu dài. Bây giờ, trước khi mọi người bắt đầu la hét và gửi email để kết tội tôi là một kẻ tội đồ công nghệ - thì khoan đã vì đó không phải là những gì mà tôi đang làm.

Hãy nhìn sự việc theo hướng này nhé: Lái xe đi làm sẽ giúp chúng ta ít tiêu tốn năng lượng về mặt thể chất hơn, tiết kiệm thời gian hơn và nó có lẽ sẽ thuận tiện và dễ chịu hơn đi bộ. Điều đó không là một vấn đề gì to tát cả. Nhưng nếu bạn luôn dùng xe để đi qua khắp mọi nơi bạn đã đi, hoặc dành cả cuộc đời đi đến đâu cũng phải ngồi trên chiếc Segway của mình, thậm chí để đi một khoảng cách rất ngắn, ừ, bạn sẽ không phải tiêu thụ bất kỳ một chút nào năng lượng từ cơ thể vật lý này. Nhưng theo thời gian, cơ bắp của bạn sẽ teo lại, trạng thái thể chất của bạn sẽ suy yếu dần, và dẫn đến tình trạng bạn có thể sẽ tăng cân. Kết quả là sức khỏe tổng thể của bạn bị suy giảm hoàn toàn.

Bộ não của bạn cũng cần tập thể dục. Nếu bạn ngừng sử dụng các kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng về không gian, kỹ năng về logic hay kỹ năng về nhận thức - làm sao bạn có thể mong đợi bộ não của mình luôn ở trong một trạng thái tráng kiện, khỏe mạnh nhất? - Bây giờ bạn không cần bận tâm đến việc cải thiện nó, hãy nghĩ về các tiện ích hiện đại xung quanh bạn đang có, nhìn thẳng vào thực trạng khi bạn dựa dẫm quá nhiều vào nó và nó có thể dễ dàng làm cho các kỹ năng của bạn tổn thương ở chỗ tiện ích đó. Phần mềm dịch thuật là một phát minh tuyệt vời, nhưng khả năng đa ngôn ngữ của tôi đã giảm sút đáng kể từ khi tôi bắt đầu sử dụng nó nhiều hơn. Bây giờ tôi luôn buộc bản thân phải tự suy ngẫm và dịch một văn bản trước khi dùng một công cụ hỗ trợ nào đó để kiểm tra tính chính xác của nó. Điều tương tự cũng xảy ra đối với chế độ kiểm tra chính tả và tự động sửa văn bản. Trên thực tế, tôi nghĩ “chế độ tự sửa” là một trong những phát minh tồi tệ nhất đối với sự tiến bộ về nhận thức của con người. Bạn biết máy tính sẽ bắt lỗi bạn, vì vậy bạn cứ tự nhiên gõ chữ, thậm chí bạn không còn quan tâm về cách đánh vần nữa. Và tôi tự hỏi hậu quả của bao nhiêu năm qua chúng ta dựa dẫm quá nhiều vào chế độ tự sửa và kiểm tra chính tả sẽ kinh khủng như thế nào nếu nhìn trên con số tổng thể số người trong một quốc gia? (Tôi thực sự rất muốn ai đó thực hiện một nghiên cứu về điều này.)

Sẽ có những lúc chúng ta cần phải sử dụng sự hỗ trợ của các công cụ, thiết bị công nghệ để giúp chúng ta đảm bộ độ chính xác của một công việc. Nhưng cũng có những lúc “nói không” với các phím tắt, các chế độ hỗ trợ tiện ích lại tốt hơn cho não bộ của bạn, miễn là thời gian và năng lượng của bạn đủ nhiều để dùng não thay vì các công cụ khác . Các chuyên gia hay khuyên chúng ta nên thường xuyên đi bộ đến nơi làm việc hoặc đi thang bộ thay vì thang máy vài lần một tuần để có được một vóc dáng hoàn mỹ và khỏe khoắn. Vậy chúng ta có muốn bộ não của mình cũng hoàn mỹ và khỏe khoắn như vậy không? Thỉnh thoảng hãy tắt chế độ GPS trong thiết bị của bạn và cho các kỹ năng về không gian và giải quyết vấn đề của bạn một ân huệ để nó được phát huy năng lực của mình. Chúng ta nên tận dụng những mặt tiện dụng của một thiết bị hỗ trợ, nhưng trước hết hãy thử tự mình hồn nhiên khám phá và giải quyết một vấn đề trước. Bộ não của bạn sẽ rất biết ơn bạn.

5. Kết nối với người khác

Đây là kỹ thuật cuối cùng dẫn chúng ta đến chỗ tối đa hóa tiềm năng nhận thức của mình: mạng lưới kết nối. Điều tuyệt vời ở phương pháp hành động cuối cùng này bạn hoàn toàn có thể kết hợp nó trong quá trình thực hiện 4 kỹ thuật bên trên. Điều đó có nghĩa khi thực hành 4 kỹ thuật trước đó, bạn cũng đã thực hành luôn kỹ thuật số 5 này. Hoặc nếu bạn đã không biết cách kết hợp nó với các kỹ thuật kia thì bây giờ chính là lúc thích hợp để bạn bắt đầu. Ngay bây giờ.

Bằng việc kết nối với những người khác — thông qua các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook hoặc Twitter hoặc gặp gỡ và tương tác trực tiếp với ai đó— bằng cách kết nối và tương tác trực tiếp như thế sẽ giúp cho bạn đạt được các kỹ thuật đã nêu từ 1 đến 4 dễ dàng hơn. Bằng cách tiếp xúc với con người, với những ý tưởng và môi trường mới, sẽ giúp bạn mở ra những cơ hội mới để phát triển nhận thức của chính mình. Sự hiện diện cùng với những người khác, kể cả những người không thuộc cùng một lĩnh vực mà bạn quan tâm, chính điều đó cũng sẽ mang đến cho bạn một cơ hội nhìn thấy vấn đề theo những quan điểm rất mới mẻ hơn hoặc sự tiếp cận một vấn đề theo những chiều hướng sâu sắc hơn mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến. Học tập là sự tiếp xúc với những điều mới mẻ và tiếp nhận thông tin đó theo những cách ý nghĩa và độc đáo với chính mình - như vậy kết nối với người khác là một cách tuyệt vời để việc học tập của chúng ta được diễn ra. Tôi thậm chí còn chưa đề cập đến các lợi ích về mặt xã hội và mặt cảm xúc như sự hạnh phúc từ việc kết nối với người khác, nhưng thôi, đó chỉ là một lợi ích đính kèm của hoạt động này.

Steven Johnson, tác giả của cuốn sách "Ý tưởng tốt đến từ đâu?", đã bàn luận về tầm quan trọng của các nhóm tương tác và mạng lưới kết nối đối với sự tiến bộ trong việc đưa ra các ý tưởng của con người. Nếu bạn đang tìm kiếm các tình huống mới, các ý tưởng, các môi trường và các quan điểm mới lạ, thì hoạt động kết nối là một công cụ tuyệt vời dành cho bạn. Sẽ khá khó khăn trong việc khiến não bộ của chúng ta thông minh hơn mà không đề cao vai trò của kết nối như một nhân tố chính. Điều tuyệt vời nhất khi kết nối là: Mọi người đều nhận được lợi ích. Trí thông minh tập thể muôn năm!



Và còn một điều khác nữa tôi cần đề cập đến...

Bạn có nhớ từ đầu bài viết này, tôi đã từng kể về câu chuyện các khách hàng của mình bị rối loạn phổ tự kỷ không? Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về điều đó nhé, hãy liên kết nó với những kỹ thuật bên trên mà chúng tôi đã đề cập nhằm tăng trí thông minh cho bạn. Tại sao khách hàng của tôi - những đứa trẻ mắc chứng phổ tự kỷ có thể đạt được trí thông minh ở mức độ cao như thế? Đó không phải là sự tình cờ hay một phép lạ nào cả - đó là vì chúng tôi đã kết hợp tất cả các nguyên tắc học tập này vào chương trình trị liệu của đứa trẻ đó. Trong khi hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ trị liệu khác bị mắc kẹt trong mô hình "Học tập không có lỗi" ("Errorless Learning" paradigm) và "Kỹ thuật Lovaas" ("Lovaas Techniques"), họ hầu như không hề sửa đổi mà cứ rập khuôn áp dụng toàn bộ từ “Phân tích hành vi ứng dụng ” (Applied Behavior Analysis), nhưng chúng tôi đã thay đổi trong cách tiếp cận và áp dụng của mình, chấp nhận dùng cách tiếp cận đa phương thức để giảng dạy. Chúng tôi đã khiến những đứa trẻ phải vật lộn để học hỏi, chúng tôi đã sử dụng những cách sáng tạo nhất có thể nghĩ ra và thách thức chúng vượt ra ngoài những khả năng giới hạn của mình - chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho các đứa trẻ. Nhưng bạn biết gì không? Những đứa trẻ đó đã vượt qua những nhiệm vụ đó hết lần này đến lần khác, và chúng khiến tôi thực sự tin rằng những điều tuyệt vời hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn có đủ ý chí, can đảm, kiên trì hết mình để gắn bó và bước đi đến cùng với những phương pháp đó. Nếu những đứa trẻ khuyết tật như vậy vẫn có thể sống theo những phương cách như thế và nhờ vào đó để không ngừng tối đa hóa tiềm năng nhận thức của mình, thì bạn cũng vậy.

Và tôi cũng có một câu hỏi đặt ra để bạn có thể suy ngẫm: Nếu chúng ta có tất cả những tài liệu hỗ trợ này cho thấy được các phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận học tập này có thể có tác động tích cực sâu sắc đến sự phát triển trong nhận thức của con người một cách lâu dài, thì tại sao lại không có nhiều chương trình trị liệu hoặc hệ thống trường học áp dụng các kỹ thuật và phương pháp này? Tôi muốn thấy các phương pháp này sẽ trở thành các tiêu chuẩn trong giảng dạy, chứ không phải là một trường hợp ngoại lệ. Chúng ta nên thử một cái gì đó mới lạ và làm rung chuyển hệ thống giáo dục cố hữu một chút, phải không nào? Chúng ta sẽ nâng được chỉ số IQ tập thể lên một mức độ khủng khiếp.

Trí thông minh không nằm ở việc bạn đã tham gia bao nhiêu lớp học toán, ở việc bạn có thể giải một thuật toán nhanh đến mức nào hoặc bạn có thể biết được có bao nhiêu từ có hơn 6 kí tự. Trí thông mình là ở năng lực tiếp cận một vấn đề mới, nhận ra cấu trúc của nó và giải quyết nó - sau đó lấy kiến thức học được và áp dụng để giải quyết các vấn đề tiếp theo, phức tạp hơn, nâng cao hơn. Trí thông minh là sự đổi mới và trí tưởng tượng, và là việc có thể sử dụng nó để thay đổi thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Đây là loại trí thông minh có giá trị, và đây là loại trí thông minh mà chúng ta nên phấn đấu đạt được và cần được khuyến khích để phát triển.

Đây là bài viết này được chuyển thể từ một buổi thuyết trình của tôi tại Hội nghị thượng đỉnh nhân loại ở Đại học Harvard vào tháng 6 năm 2010.


[1.] Bài kiểm tra n-nhiệm vụ kép, đây là loại bài kiểm tra dùng để "huấn luyện não bộ", chứ không phải là một trò chơi trí não thông thường. Nó cụ thể và phức tạp hơn, sử dụng nhiều chế độ kích thích hơn so với một trò chơi trí não thông thường

[2.] "Sự cởi mở" hoặc sẵn sàng tìm kiếm, đón nhận những điều mới lạ không giống với hành vi mà chúng ta thường lầm tưởng là tìm kiếm cảm giác hồi hộp. Sự cởi mở này do được kích thích bởi nhiều dopamine sau đó hình thành nên sự khơi gợi tò mò – do adrenaline gây ra, và thường liên quan đến các hoạt động có tính chất mạo hiểm hơn.


Về Tác giả:

Andrea Kuszewski là một nhà trị liệu hành vi và tư vấn cho các trẻ em mắc chứng phổ tự kỷ, cư trú tại Florida; chuyên môn của cô là về Hội chứng Asperger, hoặc tự kỷ chức năng cao. Cô dạy các kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp và can thiệp hành vi trong các cơ sở giáo dục, gia đình và cộng đồng, cô thực hiện đào tạo cả trẻ em cũng như cha mẹ của chúng về các phương pháp trị liệu. Andrea làm việc như một nhà nghiên cứu với Viện Khoa học Xã hội METODO, chi nhánh Hoa Kỳ của Nhóm nghiên cứu liên ngành METODO về Khoa học Xã hội, có trụ sở tại Bogotá, Colombia, để điều tra các yếu tố về nhận thức trong thần kinh đứng sau các hành vi của con người – cuộc điều tra nghiên cứu này bao gồm các chủ đề như sáng tạo, trí thông minh, hành vi bất hợp pháp và rối loạn về phổ tư duy hội tụ khác nhau của tâm thần phân liệt và tự kỷ. Ngoài vai trò là một nhà nghiên cứu về sáng tạo, cô cũng là một nghệ sĩ giỏi và từng được đào tạo về các phương tiện giao tiếp trực quan khác nhau, từ vẽ truyền thống đến hội họa kỹ thuật số, thiết kế đồ họa, xây dựng mô hình 3D và hoạt hình cho Khoa học Y tế và Hành vi. Cô cũng có những bài blog tại các kênh The Rogue Neuron, tweeter với bút danh @AndreaKuszewski.


Các quan điểm được thể hiện trong bài viết là của tác giả và các quan điểm này không nhất thiết phải đại diện chung cho tất cả quan điểm của các Nhà khoa học Mỹ.

Các nguồn tham khảo:

Garlick, D. (2002). Understanding the Nature of the General Factor of Intelligence: The Role of Individual Differences in Neural Plasticity as an Explanatory Mechanism. Psychological Review, 109, no.1 , 116-136.

Haier, R. E. (2007). The Parieto-Frontal Integration Theory (P-FIT) of Intelligence: Converging Neuroinaging Evidence. Behavioral and Brain Sciences, 135-187.

Haier, R. J. (1993). Cerebral glucose metabolism and intelligence. In P. A. Vernon, Biological approaches to the study of human intelligence (pp. 317-373). Norwood, N. J.: Ablex.

Susanne M. Jaeggi, M. B. (2008). Improving Fluid intelligence With Training on Working Memory. Proceedings of the National Academy of Sciences. doi: 10.1073/pnas.0801268105

Ramey, C. T. (1998). Early Intervention and Early Experience. American Psychologist, 109-120.

Sternberg, R. (2008). Increasing Fluid Intelligence is Possible After All. PNAS, 105, no. 19 , 6791- 6792.

Sternberg, R. J. (1985). Implicit Theories of Intelligence, Creativity, and Wisdom. Journal of Personality and Social Psychology, 49 , 607-627.

Sternberg, R. J. (1999). The Theory of Sucessful Intelligence. Review of General Psychology, 3 , 292-316.

Weinberg, R. (1989). Intelligence and IQ. American Psychologist, 98-104.