SH Live 001: Con vào lớp 1, chuẩn bị sao cho vừa đủ?
Self Hiil tổng hợp lại những điểm mà các khách mời đã chốt với nhau, còn cụ thể câu chuyện đằng sau, lý do thế nào thì mọi người có thể coi lại ở link Youtube ở trên nhé.
❣️ Giải thích cho bé như thế nào về việc chuyển từ học mẫu giáo sang lớp 1?
👉 Không nên giải thích bằng lời nói quá nhiều cho con về viễn cảnh đi học ở lớp 1 để tránh tạo ra những tưởng tượng và áp lực vô hình lên con.
👉 Thay vào đó nên tập trung tìm hiểu mức độ sẵn sàng của con từ đó tìm cách chuẩn bị tâm thế cho con. Ba mẹ có thể bắt đầu bằng câu hỏi gợi mở như “Sắp vào lớp 1 rồi, còn cảm thấy thế nào?” rồi lắng nghe câu trả lời, quan sát biểu hiện của con để xem con đang có thuận lợi gì, hiểu nhầm gì, rào cản gì… rồi tìm cách giúp con trải nghiệm, chuẩn bị năng lực.
❣️ Có cần phải dạy viết chữ và dạy Toán cho bé trước không? Dạy như thế nào là vừa đủ?
👉 Giáo dục giai đoạn tiền tiểu học nên tập trung vào việc làm sao cho con hình thành ý thức chấp hành nội quy thay vì mục tiêu học trước được cái gì. Ba mẹ dùng toán, Tiếng Việt và các môn học khác như làm công cụ để giúp bé học cách làm việc theo thời gian biểu, ngồi đúng tư thế tác phong…
👉 Tuy không cần nóng vội dạy chữ viết và Toán cho bé theo như chương trình lớp 1 của Bộ nhưng cần phải tạo ra môi trường cảm thụ và tư duy toán, ngôn ngữ cho bé thông qua những hoạt động trong đời sống hằng ngày. Việc học nên diễn ra trong thực tế cuộc sống, thông qua việc giải quyết các tình huống phát sinh.
👉 Quan trọng là cho bé cảm nhận về âm thanh, tiếng nói, cách gộp lại, bớt đi, chia ra... trong sinh hoạt hàng ngày. Còn chữ cái hay các phép tính là sự ghi lại những tư duy đó ở dạng ký hiệu. Nếu ba mẹ còn thời gian thì có thể hướng dẫn thêm.
❣️ Cách để tạo thời khoá biểu cho con?
👉 Ba mẹ cần quan sát để tìm được lợi ích của con khi làm thời khoá biểu và khơi gợi cho con thấy cần làm 1 thời khoá biểu vì lợi ích của con. Ví dụ như nếu bé thích mẹ đọc sách chơi cùng thì cần làm thời khoá biểu để mẹ cũng có thể dành thời gian đúng lúc cho con...
👉 Đặt câu hỏi khơi gợi những gì con muốn làm, cần làm. Nên hạn chế dùng từ phân biệt học và chơi với con mà dùng từ “con muốn làm gì?” → đánh răng, vẽ, làm toán, viết chữ, xếp lego, xem điện thoại…
👉 Giới thiệu về khung thời gian biểu với các ngày và khung giờ. Cho con vẽ hình ký hiệu cho việc làm. Việc này hình thành tư duy quy ước cho con.
👉 Sau đó thống nhất cách thực hiện và điều chỉnh TKB với con.
❣️ Đặt câu hỏi cho con như thế nào?
👉 Đặt những câu hỏi phù hợp với lứa tuổi và mức độ hiểu biết của bé để bé dễ trả lời.
👉 Với độ tuổi từ 4-6 tuổi thì không nên hỏi câu hỏi vì sao nhiều, mà nên hỏi các câu liên quan tới cảm nhận, trải nghiệm, cách làm hay sự lựa chọn của bé (Yes/ No, What, Which, How).
👉 Ba mẹ không nên dùng những từ ngữ xa lạ với con mà nên trò chuyện với con sau mỗi lần con trải nghiệm hay làm một điều gì đó. Đặt câu hỏi về điều con trải nghiệm và giúp con gọi tên trải nghiệm mới của con. Quá trình gọi tên trên trải nghiệm này giúp con hình thành các chân ngữ (từ mà con trực cảm được nghĩa của nó). Như vậy con sẽ tăng khả năng diễn đạt.
👉 Muốn hỏi được câu hỏi khơi gợi cho con tư duy đúng hướng thì trước hết ba mẹ cần tự hỏi mình đã biết cái đó chưa. Rồi từ đó xác định vị trí con đang đứng và các cột mốc, con đường để đi đến đích. Khi Ba mẹ khi không tự làm sáng rõ trong mình, sẽ dễ rơi vào trường hợp học lý thuyết và áp đặt cho con.
👉 Điều quan trọng là ba mẹ hạn chế sự phán xét, giảng giải đưa ra lời khuyên mà tập trung lắng nghe để tìm hiểu bé, đồng cảm và khơi gợi cho bé được bày tỏ suy nghĩ thật của mình.
❣️ Làm thế nào khi con không tự tin trước khó khăn thử thách?
👉 Đây là một xu hướng tự nhiên của tất cả các trẻ. Ba mẹ cần tập trung tạo dựng văn hoá gia đình là không đánh giá phán xét giá trị của con thông qua hành động của con làm. Khen chê đúng trên việc làm của con chứ không khen chê một cách chung chung để con có sự đồng hoá giữa việc làm và giá trị của bản thân mình.
👉 Thay vì động viên, thuyết phục con thực hiện thử thách, ba mẹ phân rã thử thách thành nhiều bước nhỏ, sắp xếp theo logic việc nào dẫn đến việc nào rồi hướng dẫn con làm tuần tự từng bước, giúp còn hoàn thành từng mục tiêu nhỏ.
👉 Khen ngợi con qua từng bước để có được sự tự tin. Cần phân biệt được các cấp độ làm việc của con để khen cho đúng và chỉ ra được con cần làm gì để lên nấc tiếp theo: (0) làm được với sự hỗ trợ, (1) tự mình làm được, (2) làm đúng, (3) làm đẹp, (4) làm nhanh.
👉 Bước cuối cùng là hỏi gợi ý cho trẻ tự nhìn nhận và đánh giá lại toàn bộ quá trình làm việc vừa rồi để xây dựng cho bé tư duy “Mình làm được", hình thành sự tự tin vững chắc cho bé.
❣️ Làm thế nào để con tự chủ, độc lập trong tư duy?
👉 Không cần phải giải thích, phải “rèn" con tự chủ mà nên thuận theo tự nhiên của con.
👉 Cho con được làm, được suy nghĩ một cách tự chủ: được bộc lộ suy nghĩ thật của mình, được đưa ra sự lựa chọn, được làm những điều mình cảm thấy là đúng, được quyền phạm sai lầm và sửa sai.
👉 Ba mẹ là người đồng hành, cùng con làm, hỏi gợi mở cho con soi lại và gọi tên những trải nghiệm tự chủ của mình như trách nhiệm, cam kết, can đảm…
👉 Để con được tự chủ thật chứ không bị ép tự chủ thì ba mẹ cũng cần tự chủ trước.
❣️ Làm thế nào để con tự do khám phá kiến thức, phát triển tự nhiên nhưng không tiếp nhận những kiến thức sai lầm?
👉 Phát triển tự nhiên là phát triển đúng theo quy luật tự nhiên, chứ không đồng nghĩa với làm tự phát, tuỳ tiện theo ý thích.
👉 Cái chuẩn đúng là thực tế. Chuẩn của các môn học Toán, Tiếng Việt cũng từ thực tế cuộc sống.
👉 Vai trò của ba mẹ là đồng hành cùng con, đặt câu hỏi, khơi gợi để con khám phá đúng thực tế.
💟 Nhắn nhủ của các khách mời tới ba mẹ:
💗 Chị Nguyen Thuy Lien: Mình học cái gì là cũng để hoàn thành một mục tiêu nào đó, mục tiêu đó hoàn thành cũng để có được niềm vui. Nên điều quan trọng là ba mẹ và con luôn cảm thấy vui khi đi học. Mỗi khi con không vui, ba mẹ quan sát, tìm hiểu những rào cản khiến con không vui rồi từ đó tìm cách cùng con tháo gỡ. Đó cũng là giúp con hình thành năng lực đối diện và vượt qua các thử thách, là năng lực cần cho con suốt cả cuộc đời. Chỉ cần con cảm được con luôn có ba mẹ đồng hành, con không cần giấu diếm gì với ba mẹ thì thử thách nào cũng có thể vượt qua.
💗 Chị Thanh Binh Vo: Không quan trọng phải lấp đầy kiến thức cho con mà điều quan trọng là cuối mỗi ngày đều cảm thấy hạnh phúc, luôn luôn nhắc nhở mình mục đích cuối cùng là hạnh phúc, để tìm cách tháo gỡ để có được năng lượng và năng lực hạnh phúc. Quá trình chuyển hoá đó cũng chính là quá trình học của ba mẹ.
💗 Chị Ngan NguyenHo: Trước buổi livestream nghĩ là ba mẹ chỉ cần chuẩn bị cho con nhưng cuối buổi mới nhận ra ba mẹ cần phải chuẩn bị năng lực cho chính mình để đồng hành cùng con.
Link group Coach con vui học