parallax background

Giải pháp nào cho bài toán sức khoẻ tinh thần của cộng đồng sau COVID-19?

Sau những trận chiến dai dẳng chống đại dịch COVID-19, cuộc sống mới hậu COVID-19 đang được tái thiết một cách nhanh chóng ở nước ta và nhiều nơi khác trên thế giới. Bên cạnh những nỗ lực và kế hoạch tiến vào xã hội bình thường mới, vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo về nguy cơ bùng phát dịch, phục hồi kinh tế cũng như chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Một trong những thách thức rất lớn của xã hội hậu COVID-19 là bài toán về sức khỏe tinh thần cho cộng đồng sau đại dịch!

Hội chứng hậu COVID-19 và sức khỏe tinh thần

Dựa trên số liệu của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), 10-20% bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng hậu COVID-19 (Long Covid) [1] [2]. Hội chứng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân với các biểu hiện thường gặp như rối loạn tâm lý, lo lắng, trầm cảm, có suy nghĩ muốn tự tử, rối loạn giấc ngủ [3]

Hội chứng hậu COVID-19 khiến những bệnh nhân đã khỏi COVID-19 tiếp tục đối mặt với các nguy cơ liên quan đến sức khoẻ tâm thần. Nhóm nghiên cứu tại trường Y, đại học Washington (Mỹ) nhận thấy so với người không mắc COVID-19 trong các nhóm đối chứng, người mắc COVID-19 có nguy cơ bị rối loạn lo âu cao hơn 35%, và gần 40% có nguy cơ bị trầm cảm. Họ có nguy cơ sử dụng thuốc chống trầm cảm cao hơn 55%, bị rối loạn giấc ngủ cao hơn 41%. Nhiều bệnh nhân bị suy giảm chức năng nhận thức cao hơn 80%, với các triệu chứng hay quên, lú lẫn và thiếu tập trung [4].

Tạp chí The Lancet Psychiatry đã công bố một báo cáo chi tiết hơn về vấn đề này. Các nhà nghiên cứu đã tập trung theo dõi 14 dấu hiệu rối loạn sức khỏe tâm thần và thần kinh của bệnh nhân COVID-19 trong 6 tháng. Kết quả cho thấy hơn 33% bệnh nhân có những dấu hiệu rối loạn trên ở nhiều cấp độ khác nhau [5].

Có thể thấy, hội chứng hậu COVID-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống hàng ngày của nhiều bệnh nhân. Hiện nguyên nhân gốc rễ, cũng như liệu pháp điều trị bằng thuốc vẫn chưa được tìm ra. 

Không chỉ bệnh nhân COVID-19 mới giảm sút sức khỏe tinh thần

Hội chứng hậu Covid ở người bệnh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những người không nhiễm COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý như một hệ quả gián tiếp của đại dịch. Theo Bộ Y Tế, bên cạnh những mất mát được thể hiện qua số liệu thống kê, đại dịch COVID-19 còn để lại những tổn thương tâm lý to lớn khó có thể đong đếm một cách chính xác [6].

Trẻ em ­– đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch

Chỉ riêng làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam, hơn 1000 trẻ em đã mất cả cha lẫn mẹ. Đại dịch còn làm xáo trộn nặng nề cuộc sống hàng ngày của các em, làm gia tăng sự sợ hãi, buồn chán, thất vọng, lo âu, và trầm cảm. Báo cáo Đánh giá nhanh tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em và gia đình tại Việt Nam của UNICEF chỉ ra rằng:

“Trẻ em và gia đình sống trong các khu vực bị phong tỏa hoặc khu cách ly tập trung lại càng bất an lo lắng. Một người mẹ sống trong khu vực bị phong tỏa cho biết: khi một ca mắc mới được phát hiện trong khu phố, con trai cô đã lo lắng và điều này ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Một người mẹ khác cho biết khi gia đình phải chuyển tới khu cách ly tập trung trong 14 ngày, con gái cô đã rất sợ hãi. Cô con gái 9 tuổi của cô cảm thấy khu cách ly tập trung như “nhà tù”.

Báo cáo này còn nhắc đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em sống trong những khu vực bị phong tỏa hay có thành viên trong gia đình đang bị cách ly tập trung.

“Tối hôm có thông báo về việc chị gái dương tính với COVID-19, ngay sau đấy thì thông tin cá nhân của gia đình bạn ấy xuất hiện trên các trang truyền thông xã hội như kiểu Facebook, nhiều người cũng bình luận rồi có những lời không hay rồi nói ra nói vào nhiều. Thời điểm đó, tâm lý các bạn ấy căng thẳng lắm. Ngay cả khi đã quay trở lại trường học, thì bạn ấy vẫn còn ngại ngùng, chưa được hòa đồng, có một chút tự ti nữa. Chắc cũng phải mất một thời gian nữa.

Cán bộ công tác xã hội, Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, trích từ báo cáo của UNICEF

Người trưởng thành – âm thầm gồng mình chống chọi với những tổn thương tâm lý

Cũng theo báo cáo trên, đại dịch không chỉ tác động đến trẻ em mà còn ảnh hưởng đáng kể đếnsức khỏe thể chất, tinh thần và năng lực tài chính của các phụ huynh. 

Trong số các cha mẹ được phỏng vấn, có đến 57,4% hiện không có việc làm và 25,7% làm công việc được trả lương thấp hơn trong giai đoạn đại dịch. Tình trạng mất việc khiến thu nhập của nhiều cá nhân và gia đình tại Việt Nam giảm đáng kể. Khoảng 44,2% người tham gia cho biết họ không có thu nhập, 40,8% có thu nhập ít hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Không chỉ vậy, người lao động (NLĐ) còn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn hỗ trợ từ người sử dụng lao động (NSDLĐ). Có tới 79,4% người lao động cho biết họ không nhận được hỗ trợ gì, bằng tiền hay hiện vật, từ NSDLĐ khi bị giảm lương hoặc mất việc làm, dựa theo báo cáo “Đánh giá nhanh tác động của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp và người lao động trong một số ngành kinh tế chính: Ứng phó, điều chỉnh và khả năng phục hồi [7], được thực hiện bởi Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO).

Nhiều người rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng vì thất nghiệp, mất nguồn thu nhập và mâu thuẫn trong gia đình tăng lên. Gần 10% NLĐ cho biết sự tranh cãi gia tăng, cũng như gần 5% cho biết có bạo hành về lời nói và hành động trong gia đình họ. Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cho biết có tới 86,9% người tham gia khảo sát cảm thấy lo lắng, bi quan, bất an và tâm trạng thay đổi bất thường. Sự giảm sút sức khỏe tinh thần ở người trưởng thành là điều khó tránh khỏi.

NSDLĐ cũng phải đương đầu với những áp lực không nhỏ trong việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Theo Khảo sát nhanh về doanh nghiệp và COVID-19 do Tổ Chức Ngân Hàng Thế Giới thực hiện, tính riêng tháng 4/2020 đã có gần 50% doanh nghiệp phải đóng cửa do chỉ đạo của Chính phủ hoặc do quyết định của doanh nghiệp. Đến tháng 9/2021, đã có 90.291 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 45.091 doanh nghiệp tạm ngừng kinh, và 12.802 doanh nghiệp đã giải thể. [8]

Theo một báo cáo từ King’s College London [10], khảo sát hơn 5000 doanh nhân ở 23 quốc gia trong đại dịch cho thấy chỉ 50% số doanh nhân trong nghiên cứu có đủ thời gian để nghỉ ngơi hồi phục khi gặp phải căng thẳng trong công việc và 44% báo cáo không ngủ đủ giấc. Hơn 60% số doanh nhân được hỏi cảm thấy lo âu về việc doanh nghiệp của mình có nguy cơ phá sản.

Nhân viên y tế – ai chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế?

Tháng 3/2022, một khảo sát được thực hiện với 466 nhân viên y tế tại bệnh viện Hùng Vương cho thấy tỉ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%, lo âu là 42,9%, và stress là 17,6%. Nguyên nhân chính đến từ việc họ đã chứng kiến người thân, bạn bè, bệnh nhân qua đời vì COVID-19 (57,5%). Họ cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế (53,6%) và người thân bị mất việc làm (70,2%). [9]

Vì liên tục làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, rất nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm COVID-19. Những người chưa bị phơi nhiễm buộc phải làm việc với công suất tăng gấp nhiều lần trong một thời gian dài. Điều này đã khiến cho đội ngũ nhân viên y tế thường xuyên gặp tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Dựa trên kết quả nghiên cứu từ những trận đại dịch trong lịch sử, như SARS, cúm H7N9, các nhà khoa học khẳng định rằng các nhân viên y tế có thể rơi vào rối loạn tâm lý (PTSD, khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, căng thẳng mệt mỏi) trong vòng 6 tháng đến 3 năm sau khi đại dịch bùng phát. [10]

Sự suy giảm sức khoẻ tinh thần cùng với những rối loạn tâm lý ban đầu, nếu không được quan tâm kịp thời và giải quyết đúng lúc, có thể trở thành những tổn thương tâm lý kéo dài, tác động đến hạnh phúc cũng như sự phát triển của từng cá nhân, từng gia đình trong xã hội.

Tổn thương tâm lý hậu COVID-19 – khi nào sẽ kết thúc?  

Liệu rằng, những bệnh nhân đang chống chọi với hội chứng hậu COVID có đủ sức quay lại sống và làm việc bình thường như trước? 

Liệu rằng, 1000 em bé đột ngột mất cha mẹ có thể lớn lên mà không mang trong mình nhữngtổn thương? 

Liệu rằng những bậc phụ huynh bị ám ảnh vì mất việc, kiệt sức vì chạy ăn từng bữa, có còn đủ kiên nhẫn chăm lo con cái hay vun đắp hạnh phúc gia đình?

Liệu rằng những chủ doanh nghiệp lao đao vì phá sản có thể gượng dậy, vững tin làm lại từ đầu? 

Liệu rằng những nhân viên y tế có thể thoát khỏi sức ép tinh thần đè nặng lên họ trong thời gian chống dịch, và để lại những hình ảnh tang thương trong quá khứ?

Những nghiên cứu khoa học từ giữa năm 2020 cho thấy những vấn đề về sức khỏe tinh thần phát sinh trong đại dịch, chắc chắn vẫn tồn tại trong xã hội nhiều năm sau đại dịch [11]. Chính những vấn đề này sẽ trở thành nguyên nhân khởi phát những rối loạn tâm lý khác và khiến những rối loạn này trở nên nghiêm trọng hơn. Kestan Koenen, giáo sư dịch tễ học tâm thần học tại Đại học Harvard T.H. Chan School of Public Health cũng đưa ra lời cảnh báo rằng mọi người cần hết sức cẩn thận khi tiến vào xã hội bình thường mới. Những nỗ lực để quay trở lại cuộc sống trước đại dịch có thể dễ dàng trở thành nguyên nhân khiến bạn dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng.

Việc nhanh chóng bước vào xã hội bình thường mới, kiến tạo tương lai mới, tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ rất khó khăn nếu bài toán sức khoẻ tinh thần của cộng đồng chưa được giải quyết. Sự suy giảm sức khỏe tinh thần có thể dễ dàng trở thành một vòng xoắn bệnh lý, âm thầm len lỏi và bám rễ vào cuộc sống của mỗi cá nhân.

Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, những cá nhân cần được giúp đỡ về tâm lý có thể tìm đến những tình nguyện viên (từ các dự án xã hội) hoặc các chuyên gia y tế. Tại đây, họ sẽ được tiếp cận các biện pháp sơ cứu tâm lý, tư vấn chuyên sâu hoặc trị liệu lâm sàng [19].

Tuy nhiên, sau khi các biện pháp sơ cứu tâm lý và trị liệu lâm sàng được thực hiện, điều cần đặc biệt quan tâm là khả năng phục hồi nhanh chóng và phòng ngừa tái phát. Thực tế, những rối loạn này nếu không được giải quyết triệt để sẽ có xu hướng trở thành mãn tính và tái phát nhiều lần. Nâng cao “hệ miễn dịch” tinh thần (psychological immune system [12] [13] [14] ) của mỗi cá nhân chính là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này.

Làm thế nào để nâng cao “hệ miễn dịch” tinh thần trong giai đoạn hậu COVID-19?

Hệ miễn dịch tinh thần là một hệ thống tích hợp bao gồm các khía cạnh nhận thức, động lực và tính cách hành vi của cá nhân. Hệ thống này hoạt động cung cấp những “kháng thể” giúp nâng cao khả năng chống lại căng thẳng và thúc đẩy sự phát triển tinh thần khỏe mạnh” [15] [16]

Nếu như hệ miễn dịch thể chất giúp bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh tật do virus gây ra, thì hệ miễn dịch tinh thần có thể được xem như một thành trì chặn đứng các tác nhân gây căng thẳng,lo âu từ môi trường bên ngoài, cũng như những suy nghĩ tiêu cực bên trong. 

Sau khi được sơ cứu và trị liệu tâm lý, hệ miễn dịch tinh thần cần tạo ra những “kháng thể” tinh thần khoẻ mạnh, trong đó năng lực tự chữa lành (healing) và năng lực tự phòng tránh tái phát các rối loạn tâm lý (protection) là cực kì quan trọng. 

Năng lực tự chữa lành càng nhanh kết hợp với năng lực tự phòng tránh tái phát càng mạnh sẽ giúp mỗi người có được một hệ miễn dịch tinh thần vững chắc, từ đó nâng cao khả năng thích nghi trước những thay đổi phức tạp của cuộc sống, tiến đến làm chủ hoàn cảnh và nắm bắt cơ hội trong những giai đoạn nhiều biến động. Một tinh thần khỏe mạnh chính là bệ phóng vữngchắc giúp mỗi người phát huy tối đa trí tuệ và năng lực của bản thân trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn trong giai đoạn hậu COVID-19. 

Nâng cao hệ miễn dịch tinh thần với trí thông minh nội tâm (Spiritual Intelligence)

Với mong muốn ai ai cũng có một hệ miễn dịch tinh thần khỏe mạnh từ gốc rễ, Self Hiil tâm huyết mang đến một giải pháp nâng cao hệ miễn dịch tinh thần đơn giản, tiện lợi, vừa nhanh vừa an toàn, phù hợp với hoàn cảnh thực tế trong đại dịch và sau đại dịch.  Đối với Self Hiil, mọi khía cạnh trong xã hội hậu COVID-19 luôn gắn liền với việc nâng cao sức khỏe tinh thần.

Giải pháp nâng cao hệ miễn dịch tinh thần tại Self Hiil là giải pháp được sáng tạo bởi người Việt dành cho người Việt. Giải pháp này được phát triển bằng cách vận dụng những tinh hoa trong lĩnh vực huấn luyện về trí thông minh nội tâm (Spiritual Intelligence) trên thế giới. Trí thông minh nội tâm là bước phát triển tiếp theo của trí thông minh cảm xúc, mang lại cho chúng ta năng lực hành xử với trí tuệ và lòng trắc ẩn trong bất kỳ hoàn cảnh nào [17]. Trí thông minh nội tâm càng cao thì hệ miễn dịch tinh thần càng khỏe mạnh.

Chương trình Self Hiil mang đến nhiều chủ đề thiết thực và gần gũi với cuộc sống, giúp nâng cao trí thông minh nội tâm như “Siêu tập trung”, “Siêu Thấu hiểu”, “Làm chủ cảm xúc”, “Lắng nghe thấu cảm”, “Làm chủ bản thân”, “Giá trị bản thân”… Các hoạt động huấn luyện được thiết kế từ đơn giản đến nâng cao và được khuyến khích thực hành mỗi ngày như những bài “thể dục” hay “yoga” dành cho nội tâm. Có thể xem những hoạt động này như một môn thể dục mới trong xã hội bình thường mới. 

Ngoài ra, chương trình Self Hiil dùng phương pháp huấn luyện (coaching) làm chủ đạo, được công nghệ hoá online 100% và có mức phí phù hợp với hầu hết mọi đối tượng.

Để lan tỏa bộ giải pháp giúp nâng cao sức khỏe tinh thần của cộng đồng, Self Hiil đã triển khai nhiều dự án dành cho nhóm đối tượng đặc biệt là những người chuyên chăm sóc cho người khác. Họ là những người mẹ, những nhân viên y tế và giáo viên mầm non. Thực tế cho thấy những người chăm sóc người khác thường rất ít được quan tâm chăm sóc ngược lại. Do đó, họ rất dễ rơi vào tình trạng kiệt sức trong công việc và kiệt quệ tinh thần. Nếu bạn chăm sóc người khác, Self Hiil sẽ chăm sóc bạn. Thông qua những dự án này, Self Hiil đang sát cánh với những người mẹ, nhân viên y tế và giáo viên mầm non, từng bước nâng cao trí thông minh nội tâm của họ, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống và công việc. 

Bạn có đang quan tâm đến vấn đề sức khỏe tinh thần cho bản thân và cộng đồng? Bạn cũng đang mong muốn có một hệ miễn dịch tinh thần khoẻ mạnh? Self Hiil luôn chào đón mọi người có cùng tâm huyết để chung tay thực hiện các dự án có ý nghĩa cho xã hội. Hãy cùng chia sẻ thêm với Self Hiil tại email [email protected] nhé!

Self Hiil – Chung tay nâng cao sức khỏe tinh thần người Việt, tái thiết xã hội hậu COVID-19


[1] Hội chứng hậu COVID-19 – Làm gì để vượt qua?

[2] Coronavirus disease (COVID-19): Post COVID-19 condition

[3] Boiko, D.I., Skrypnikov, A.M., Shkodina, A.D., Hasan, M.M., Ashraf, G.M. and Rahman, M., 2022. Circadian rhythm disorder and anxiety as mental health complications in post-COVID-19Environmental Science and Pollution Research, pp.1-8.

[4] Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần

[5] Rogers, J.P. and David, A.S., 2021. A longer look at COVID-19 and neuropsychiatric outcomesThe Lancet Psychiatry8(5), pp.351-352

[6] Stress và sang chấn tâm lý vì COVID-19: Có lúc nhìn sang nhau thấy ai cũng khóc

[7] Đánh giá nhanh tác động của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp và người lao động trong một số ngành kinh tế chính: Ứng phó, điều chỉnh và khả năng phục hồi

[8] Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021

[9] Tin sáng 20-3: 23% y bác sĩ trầm cảm vì dịch; số ca COVID-19 tăng gấp 6 nhưng tử vong giảm hơn 30% – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

[10] Preti, E., Di Mattei, V., Perego, G., Ferrari, F., Mazzetti, M., Taranto, P., Di Pierro, R., Madeddu, F. and Calati, R., 2020. The psychological impact of epidemic and pandemic outbreaks on healthcare workers: rapid review of the evidenceCurrent psychiatry reports22(8), pp.1-22.

[11] Ren, F.F. and Guo, R.J., 2020. Public mental health in post-COVID-19 eraPsychiatria Danubina32(2), pp.251-255.

[12] Gupta, T. and Nebhinani, N., 2020. Let’s build the psychological immunity to fight against COVID-19Indian Journal of Psychiatry62(5), p.601.

[13] Dubey, A. and Shahi, D., 2011. Psychological immunity and coping strategies: A study on medical professionalsIndian J Soc Sci Res8(1-2), pp.36-47.

[14] Rachman, S.J., 2016. Invited essay: Cognitive influences on the psychological immune systemJournal of behavior therapy and experimental psychiatry53, pp.2-8.

[15] Oláh, A (2000). Health protective and health promoting resources in personality: A framework for the measurement of the psychological immune system. Paper presented at the Positive Psychology Meeting, Quality of Life Research Center, Claremont Graduate University.

[16] Oláh, A. (2002). Positive traits: flow and psychological immunity. Paper Presented at The First International Positive Psychology Summit, 3-6 October 2002, Washington D.C

[17] https://www.deepchange.com/about/cindy_wigglesworth