parallax background

Sức khoẻ tinh thần: Bạn có biết?​​

 

Thống kê về sức khoẻ tinh thần trên toàn thế giới.

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO - World Health Organization) (2021), trầm cảm và lo âu gây ra thiệt hại đáng kể trong kinh tế; chi phí ước tính cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm vì mất năng suất làm việc.[1] Cũng theo tổ chức này, khoảng 450 triệu người đang đối diện với các bệnh tâm thần, điều này tương đương với việc có 1 trong mỗi 4 người phải đối diện với các vấn đề tinh thần hoặc rối loạn thần kinh trong suốt cuộc đời họ. Ở Mỹ (2021), khoảng 26% dân số trên 18 tuổi chẩn đoán có bệnh tâm thần, khoảng 9.5% dân số trên 18 tuổi bị bệnh trầm cảm mỗi năm. Trong đó, phụ nữ thường bị trầm cảm nhiều gấp hai lần so với nam giới. Tại Anh (2021), 1 trong mỗi 3 sinh viên đại học phải đối diện với vấn đề tâm lý nghiêm trọng, và 1 trong mỗi 5 em tuổi teen phải trải qua bệnh tinh thần, và còn nhiều trường hợp khác chưa được báo cáo cũng như nói ra để nhận được sự giúp đỡ. Tuy nhiên, hơn 40% quốc gia thiếu chính sách về sức khỏe tinh thần, trong đó 30% là hoàn toàn không có các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần.[2]


Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe tinh thần

Tại Mỹ (2021), 33% người trưởng thành báo cáo vấn đề sức khỏe tâm thần kể từ khi COVID-19 bùng nổ. Người Mỹ lo lắng về vấn đề sức khỏe tinh thần của họ nhiều hơn các nước khác. Tiếp theo là Anh và Canada (2021) với 26%, Pháp với 24%, Úc và New Zealand với 23%. Nghiên cứu của cơ quan CDC (Centers for Disease Control and Prevention) (2021) cho thấy việc lạm dụng chất kích thích tăng 13% để đối phó với căng thẳng liên quan đến đại dịch. Đồng thời, 73% người trẻ có lo ngại về vấn đề sức khỏe tinh thần và cảm thấy muốn nói chuyện với một người nào đó về nó. Một nghiên cứu liên quan đến các trẻ từ 10-19 tuổi cho thấy 1 trong mỗi 4 bé cần phải được hỗ trợ cả về sức khỏe tinh thần và thể chất. Ngoài ra, khoảng 40% do dự và không yêu cầu được hỗ trợ. Ảnh hưởng của đại dịch cũng diễn ra nghiêm trọng hơn ở phụ nữ so với nam giới. Khoảng 53% phụ nữ nói rằng dịch bùng nổ tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ, trong khi đó ở nam giới, tỉ lệ này chỉ 37%. Tỉ lệ này còn chênh lệch giữa cha và mẹ, 57% các bà mẹ bị ảnh hưởng tiêu cực so với 32% ở các ông bố.[2]

  • Bạn có cảm nhận như thế nào khi đọc các thông tin thống kê trên?
  • Bạn cảm nhận như thế nào về tầm quan trọng của sức khoẻ tinh thần đối với chất lượng cuộc sống?
  • Bạn có đang dành sự quan tâm đúng mức tới sức khoẻ tinh thần của mình không?

Thực trạng về việc báo cáo bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần

[3-4]

Theo các khảo sát được tiến hành tại Anh, sự thật là rất nhiều nhân viên vẫn sợ hãi, không dám thừa nhận là mình có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Hơn một nửa số nhân viên xin nghỉ việc trong ngày vì bệnh tâm lý không thừa nhận nguyên nhân thực sự, và điều này xảy ra theo các chuyên gia nhấn mạnh là do sự 'kỳ thị' đang diễn ra xung quanh sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Một cuộc thăm do ý kiến được thực hiện với 2000 người tại Anh bởi Censuswide and Slater and Gordon vào năm 2019 cho thấy người lao động dành trung bình 3.75 ngày nghỉ cho các lý do liên quan đến sức khỏe tâm lý như căng thẳng, kiệt sức, và trầm cảm vì họ bị quá tải. Tuy nhiên, 55% trong số họ báo cáo với nơi họ làm việc với lý do nghỉ bệnh lý, chỉ dưới một phần ba (32%) chấp nhận lý do họ nghỉ vì vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Gần 2/3 (65%) số người được hỏi vì sao không thành thật với sếp cho biết: họ không nghĩ rằng mình sẽ được thấu hiểu hoặc được hỗ trợ, trong khi 30% cho biết họ cảm thấy xấu hổ khi nói ra sự thật và 27% cho biết họ không muốn đồng nghiệp biết. Ngoài ra, 40% số người được hỏi cho biết họ tranh cãi với vợ/chồng mình và một phần ba (33%) với một thành viên trong gia đình vì quá kiệt sức trong công việc. Hơn 1/10 (15%) cho biết họ đã bỏ việc vì kiệt sức.

Không chỉ vậy, một cuộc thăm dò khác tiến hành với 2009 nhân viên và cả quản lý tại Anh cũng cho thấy 56% người làm việc phải đối diện với các vấn đề sức khỏe tinh thần hay khỏe mạnh (wellbeing). Trong số đó 80% nói rằng điều này ảnh hưởng đến công việc của họ. Và cũng tương tự với cuộc thăm dò kể trên (với 2000 người), hơn 2/3 (67%) thừa nhận họ không nói với sếp họ về tình trạng sức khỏe tinh thần của mình. Điều này là do họ quá xấu hổ (23%), họ không nghĩ rằng người chủ của mình có thể giúp đỡ (24%) hoặc họ sợ điều đó sẽ gây hại cho sự nghiệp của họ (19%).

Nghiên cứu được thực hiện bởi Opinium và trường ĐH Warwick (2019) cũng cho thấy rằng các quản lý cần nhiều sự hỗ trợ từ tổ chức của họ nhiều hơn để giúp các nhân viên của họ trong vấn đề sức khỏe tinh thần. Chỉ 2/3 (66%) các nhà quản lý được khảo sát cho biết họ sẽ biết phải làm gì nếu một nhân viên trực tiếp nói với họ rằng họ đang phải vật lộn với sức khỏe tâm thần hoặc sức khỏe của mình, trong khi 49% nói rằng họ không biết cách hỗ trợ sức khỏe tâm thần và phúc lợi nói chung ở nơi làm việc. Kết quả là, 77% các nhà quản lý cho biết các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn và giáo dục về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.

Ben Willmott, người đứng đầu chính sách công tại CIPD, cho biết văn hóa công sở thường quyết định liệu các cá nhân có cảm thấy thoải mái khi tiết lộ các vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không. Ông nói: “Ở một số nơi làm việc, sức khỏe tinh thần vẫn là một vấn đề cấm kỵ và không phải ai cũng thấy thoải mái khi cởi mở về điều gì đó như căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm”. Ông nói rằng ngày càng có nhiều rủi ro ở nơi làm việc hiện đại liên quan đến mặt tâm lý cũng giống như thể chất. Dữ liệu từ Cơ quan điều hành về sức khỏe và an toàn (Health and Safety Executive) đã cho thấy các trường hợp căng thẳng liên quan đến công việc, trầm cảm và lo lắng gia tăng trong ba năm qua.

Simon Blake, giám đốc điều hành của Mental Health First Aid England, cho biết vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong cách người sử dụng lao động suy nghĩ và hành động về sức khỏe thể chất và tinh thần tại nơi làm việc. Ông nói thêm rằng việc đào tạo sơ cứu viên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc có thể giúp nhân viên tìm được sự hỗ trợ phù hợp.

Louise Aston, giám đốc phúc lợi (wellbeing director) của Business trong Cộng đồng, cho biết cuộc khảo sát cho thấy vẫn còn một “lượng lớn công việc cần phải làm để giải quyết sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.” Ông cho rằng “Sẽ không sao khi thừa nhận chúng ta không ổn. Chúng ta cần một cách tiếp cận có mục tiêu, toàn diện để đảm bảo rằng các nhà quản lý được đào tạo một cách có chất lượng, và hiểu biết rõ về các vấn đề quan trọng trong thế giới sức khỏe tâm thần và nhận thức được những điều chỉnh hợp lý cần được thực hiện, chẳng hạn như làm việc linh hoạt.”

Nghiên cứu của Opinium (2019) cho thấy 54% người lao động quyết định nghỉ làm để hồi phục sức khỏe tinh thần cho biết họ cảm thấy bị áp lực phải quay lại làm việc sớm. Và một thực trạng khác từ nghiên cứu cho thấy rằng chỉ một phần ba (36%) những người phải vật lộn với sức khỏe tinh thần của họ trong 12 tháng qua chọn cho mình phương án nghỉ ngơi. Và lý do phổ biến nhất để không dành thời gian nghỉ ngơi là vì họ muốn giữ và giải quyết các vấn đề đó cho riêng bản thân họ (30%), họ không tin rằng sức khỏe tâm thần là 'lý do hợp lệ' để nghỉ việc (28%) và họ không nghĩ rằng người chủ lao động của họ sẽ hiểu (25%).

Bạn thì sao? Khi đối diện với các vấn đề căng thẳng, tinh thần mệt mỏi, bạn có cho phép mình được nghỉ ngơi không? Khi phải đi khám bệnh về sức khỏe tinh thần, bạn có báo cáo với cấp trên của mình đúng sự thật không? Bạn có nghĩ mình sẽ được thông cảm hay “kì thị”?

Có việc gì bạn “giấu” người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hay cấp trên của bạn không? Vì “ngại”, vì “sợ”…?


Thực trạng về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế trong phòng chống dịch COVID-19

Vào những thời điểm dịch bệnh này, nhân viên y tế như y tá, bác sĩ, trợ lý điều dưỡng, v.v. vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc, mặc dù nhu cầu công việc luôn thách thức, bao gồm số lượng bệnh nhân nặng ngày càng tăng, căng thẳng trong công việc và tần suất cần tăng ca. Những nhu cầu công việc này có thể kết hợp với lịch trình làm việc vốn đã nhiều thách thức (tức là ca 12 giờ, ca đêm), khiến việc xin nghỉ ca thường xuyên và đủ thời gian nghỉ giữa ca để phục hồi sức khỏe trở nên khó khăn hơn. Tất cả các yếu tố công việc này, tức là nhu cầu về thể chất, cảm xúc và / hoặc tinh thần, kết hợp với việc ngủ không đủ giấc sẽ góp phần gây ra mệt mỏi.

Nhân viên y tế cảm thấy mệt mỏi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của chính họ, chẳng hạn như tăng khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm, vết kim tiêm, chấn thương cơ liên quan đến công việc, và kiệt sức, cũng như dễ phạm các lỗi khi chăm sóc bệnh nhân. Các nhân viên y tế dễ gặp tình trạng thiếu ngủ, mức độ mệt mỏi dữ dội, giảm sức khỏe và cả trầm cảm. Tuy nhiên, rất khó rời bước khi hệ thống y tế tràn ngập những người cần được chăm sóc. Trong những giai đoạn này, nhân viên y tế có thể không tránh khỏi sự mệt mỏi, quá sức.

Vậy làm thế nào để có thể cân bằng giữa nhu cầu cao về chăm sóc sức khỏe với nhu cầu bảo vệ nhân viên y tế khỏi mệt mỏi, quá sức?

Và chính những nhân viên y tế, bạn đã có những hành động gì để chăm sóc sức khỏe cả vật lý và tinh thần cho mình hay chưa?

Theo bài viết của TS.BS. Nguyễn Thu Hà và các cộng sự, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế (2021) cho thấy nhân viên y tế, đặc biệt các bác sĩ, điều dưỡng… đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch, nhưng họ cũng phải đối diện với rất nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần như áp lực công việc, sự quá tải công việc, tiếp xúc kéo dài với đau khổ, gặp nhiều cái chết không mong muốn… Là người đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết những nhân viên y tế tuyến đầu không dễ dàng gì để có thể giữ cảm xúc của mình ổn định.[5]

“Chứng kiến những bệnh nhân nặng quá nhiều và áp lực của nhân viên y tế, nhiều khi chúng tôi cảm giác là chúng tôi không vượt qua được. Đôi khi có cảm giác tội lỗi là tại sao mình lại không cứu được họ. Rất nhiều nhân viên y tế bị mất ngủ và phải dùng thuốc ngủ để uống, rơi vào trạng thái stress ở giai đoạn đầu tiên rất là nhiều và chúng tôi phải có trợ giúp của đồng nghiệp về chuyên khoa tâm thần để hỗ trợ cho chúng tôi trong giai đoạn đầu tiên và luôn luôn bị ám ảnh”…” Những gì tôi chứng kiến… có lẽ đủ đau thương cho cả một đời người”
- chia sẻ của bác sĩ Ngô Đức Hùng – Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, một trong số rất nhiều nhân viên y tế đang "trực chiến" ở các "mặt trận" chống COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về áp lực, sự căng thẳng, mức độ tổn thương về tinh thần… của nhân viên y tế.[5]

Vào tháng 3 năm 2020, Lai và cộng sự đã báo cáo vấn đề sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế khi xảy ra dịch Coronavirus 2019 tại Wuhan, Trung Quốc. Báo cáo được tiến hành với 1257 nhân viên y tế tại 34 bệnh viện tại Trung Quốc và cho thấy phần lớn NVYT báo cáo đã trải qua các dấu hiệu của trầm cảm (50.4%), lo âu (44.6%), mất ngủ (34%), đau buồn (71%). Đặc biệt ảnh hưởng là nữ nhân viên, điều dưỡng, y tá và các nhân viên trực chiến đang chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân nghi hoặc xác nhận nhiễm COVID-19. [6]

Một báo cáo tổng kết dựa vào các nghiên cứu trên PubMed, Google Scholar, Cochrane Library, Embase từ tháng 1/2020 đến 4/2020, với 23 bài báo được đọc và 6 bài chọn lựa nêu trong tổng kết. Các nghiên cứu hiện tại tập trung vào đánh giá một số khía cạnh của sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng ở NVYT do COVID-19. Một số yếu tố xã hội học như giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác, nơi làm việc, bộ phận làm việc và các yếu tố tâm lý như hỗ trợ xã hội kém, tự đánh giá hiệu quả bản thân có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng, lo lắng, các triệu chứng trầm cảm, mất ngủ ở NVYT. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể là một yếu tố nguy cơ độc lập gây căng thẳng ở NVYT.[7]

Một nghiên cứu của Rose và cộng sự tại bệnh viện Stamford Hospital, Hoa Kỳ (2021), cho thấy nhân viên y tế phải đối mặt với các cảm xúc khác nhau, lo lắng, căng thẳng, và phải đối phó với những tình huống khác nhau liên tục trong dịch COVID-19. Những yếu tố như sự hài hước ở nơi làm việc, rõ ràng và thường xuyên giao tiếp với nhau, sẵn có PPE, sự công nhận và cả sự đền bù bằng tiền là một số điều quan trọng đối với nhân viên y tế trong cuộc chiến chống COVID kéo dài trong tình trạng hiện nay. [8]

Nỗi lo lắng lớn nhất của họ là khả năng truyền nhiễm bệnh COVID-19 cho người thân và cả sự an toàn của chính họ. Cảm giác không chắc chắn khi nào dịch bệnh kết thúc cũng gây nên sự căng thẳng cũng như chứng kiến bệnh nhân mất do COVID-19. [8]

Các nhân viên y tá, điều dưỡng thường báo cáo cảm giác căng thẳng do kiệt sức và mệt mỏi. Điều này có thể do sự khác biệt trong tính chất công việc cụ thể là việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trực tiếp giữa y tá và các NVYT khác. So với các bác sĩ và NVYT khác, y tá, điều dưỡng dành nhiều thời gian và năng lượng hơn để chăm sóc những bệnh nhân nặng này đồng thời còn lo lắng, quản lý, bảo vệ các thành viên gia đình của chính họ và cả đối diện với sự không chắc chắn nói chung. Quan điểm này được hỗ trợ bởi một phân tích tổng hợp gần đây về NVYT trong thời kỳ đại dịch hiện tại và các tài liệu trước đây về dịch SARS. Các tác giả nhận thấy mức độ lo lắng và trầm cảm cao hơn ở các y tá so với các bác sĩ, kết luận rằng điều này có thể là do sự gần gũi và khả năng tiếp xúc với một căn bệnh mới rất dễ lây nhiễm. [8]

Các NVYT đang phải đối diện với sự căng thẳng rất cao và trải qua mâu thuẫn trầm trọng giữa nhiệm vụ của họ và các lo lắng về vấn đề an toàn cho chính mình, cho bệnh nhân của mình, đồng nghiệp và cả gia đình của mình. Trong nghiên cứu hiện tại, hầu hết NVYT cho biết họ không nhận được sự giúp đỡ từ bác sĩ gia đình hoặc các bác sĩ /nhà trị liệu khác để giảm căng thẳng và mang lại sự yên tâm. Hầu hết đều đồng ý rằng họ tham gia các hoạt động thư giãn hoặc tập thể dục để giúp giảm bớt căng thẳng. Do đó, các bệnh viện cần đặc biệt tập trung vào các biện pháp can thiệp để thúc đẩy tự chăm sóc và có khả năng giảm thời gian ca trực như đã đề xuất trong các đợt bùng phát trước đây [8]

TS.BS. Nguyễn Thu Hà, BS. Nguyễn Thị Hải Hà cũng nêu ra trong bài viết của mình về “ảnh hưởng dịch COVID-19 đến sức khỏe nhân viên y tế” (2021) với con số khoảng 2.300 nhân viên y tế nhiễm bệnh, đã có 3 nhân viên y tế tử vong trên mặt trận điều trị (theo PGS, TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, tính đến 19/8/2021). TS.BS. Nguyễn Thu Hà cũng tổng hợp và cho thấy nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của NVYT: 1/ tăng tỷ lệ mất ngủ, mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, stress...2/NVYT lo lắng về nguy cơ lây nhiễm đối với các thành viên trong gia đình. 3/Hiện tượng rối loạn giấc ngủ diễn ra với nhiều NVYT. 4/ Tỷ lệ mệt mỏi, kiệt sức do COVID-19 tăng ở NVYT.[9]

Bạn thì sao? Bạn đã trải qua những gì ở đại dịch COVID-19? Bạn đối diện với những khó khăn nào? Bạn có thường chia sẻ với gia đình, đồng nghiệp hay với bác sĩ của bạn hay không? Bạn hãy chia sẻ những trải nghiệm của mình nhé!



Tài liệu tham khảo:

[1] WHO, “Mental health in the workplace”, 2021, https://www.who.int/teams/mental-health-and-substance-use/promotion-prevention/mental-health-in-the-workplace

[2] Smiljanic Stasha, “Mental Health Statistics You Should Know (2021)”, 2021, https://policyadvice.net/insurance/insights/mental-health-statistics/

[3] Francis Churchill, “Workers call in physically sick to hide mental ill-health, poll reveals”, 2019, https://www.peoplemanagement.co.uk/news/articles/workers-call-in-physically-sick-hide-mental-ill-health

[4] Maggie Baska, “Employees still scared to open up about mental health, says survey”, 2019, https://www.peoplemanagement.co.uk/news/articles/employees-scared-open-up-about-mental-health

[5] TS.BS. Nguyễn Thu Hà. TS. Trần Văn Đại, TS. Đào Phú Cường, BS. Nguyễn Thị Hải Hà, BS. Nguyễn Thị Bích Liên, BS. Trần Trọng Hiếu, BS. Trần Văn Toàn, CN Nguyễn Thị Thắm, “Giải pháp cải thiện chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trong phòng chống dịch COVID-19”, http://nioeh.org.vn/suc-khoe-moi-truong/giai-phap-cai-thien-cham-soc-suc-khoe-tam-than-cho-nhan-vien-y-te-trong-phong-chong-dich-covid-19

[6] Jianbo Lai, MSc; Simeng Ma, MSc; Ying Wang, MSc; Zhongxiang Cai, MD; Jianbo Hu, MSc; Ning Wei, MD; Jiang Wu, MD; Hui Du, MD; Tingting Chen, MD; Ruiting Li, MD; Huawei Tan, MD; Lijun Kang, MSc; Lihua Yao, MD; Manli Huang, MD; Huafen Wang, BD; Gaohua Wang, MD; Zhongchun Liu, MD; Shaohua Hu, MD, “Factors Associated With Mental Health Outcomes Among Health Care Workers Exposed to Coronavirus Disease 2019”, JAMA Netw Open. 2020; 3(3):e203976, doi:10.1001/jamanetworkopen.2020.3976

[7] Mamidipalli Sai Spoorthy,* Sree Karthik Pratapa, and Supriya Mahant, “Mental health problems faced by healthcare workers due to the COVID-19 pandemic–A review”, Asian J Psychiatr. 2020 Jun; 51: 102119, doi: 10.1016/j.ajp.2020.102119

[8] Suzanne Rose ,Josette Hartnett,Seema Pillai, “Healthcare worker’s emotions, perceived stressors and coping mechanisms during the COVID-19 pandemic”, 2021, https://doi.org/10.1371/journal.pone.0254252

[9] TS.BS. Nguyễn Thu Hà, BS. Nguyễn Thị Hải Hà, “Ảnh hưởng dịch covid-19 đến sức khỏe nhân viên y tế”, 2021, http://nioeh.org.vn/suc-khoe-moi-truong/anh-huong-dich-covid-19-den-suc-khoe-nhan-vien-y-te

Sức khoẻ tinh thần: Bạn có biết?​​