parallax background

7 điều về cảm xúc bạn nên học từ lớp 3

 

“Tại sao trường học không dạy những điều này?”

Tôi nghe câu hỏi này rất nhiều khi là một nhà trị liệu tâm lý, đặc biệt là khi nói tới chủ đề cảm xúc và cách thức cảm xúc hoạt động.

Một khách hàng của tôi gặp rất nhiều khó khăn với chứng rối loạn lo âu quá độ. Mới đây cô chia sẻ với tôi: “Tôi cảm giác như tôi là một cái đống stress và lo lắng. Tôi luôn luôn cảm thấy lo lắng vì một điều gì đó"

Khi chúng tôi bóc tách những điều đã xảy ra trong cuộc sống của cô và thu thập thêm thông tin, tôi nhận ra một điều rất quan trọng: Trong tâm trí của cô, lo lắng và bất an là như nhau - đều là những cảm xúc tồi tệ, tự dưng trên trời rớt xuống đầu cô.

Sau khi tôi mất một lúc để giải thích cho cô hiểu rằng lo lắng thực ra là một hành động (điều mà tâm trí làm) còn sự bất an là một cảm xúc (điều mà chúng ta cảm thấy), cô bắt đầu nhìn nhận khác đi.

Cô bắt đầu quan sát và nhận ra thói quen lo lắng của mình chính là một nỗ lực để kiểm soát và giảm bớt cảm giác bất an trong lòng. Và dĩ nhiên, chiến lược này không thực sự hiệu quả vì việc lo âu đi kèm với cảm giác bất an chỉ như châm thêm dầu vào lửa và làm cho mọi thứ tệ đi.

Khi phân biệt được rõ ràng hơn sự lo lắng và cảm giác bất an, cô đã bắt đầu dừng thói quen lo lắng mỗi khi cảm thấy bất an. Điều này dẫn tới tổng mức độ bất an trong ngày của cô giảm đi rất nhiều.

Việc hiểu được một khái niệm đơn giản: lo lắng là một hành động chúng ta làm và bất an là một cảm xúc diễn ra đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn đối với cô ấy.

Và chính sự đơn giản rõ ràng của khái niệm đó đã khiến cô phải thốt lên:

“Tại sao trường học không dạy những điều này?

Chúng ta đều mù tịt về cảm xúc

Khách hàng của tôi có một bức xúc rất hợp lý, cô ấy chỉ biết tới khái niệm đơn giản này ở tuổi 45 trong khi đáng lẽ cô ấy có thể học nó từ năm 10 tuổi.

Tôi đồng ý đó là một câu hỏi rất hay, nhưng tôi thú thực vẫn chưa có câu trả lời. Tại sao trẻ nhỏ lại không được dạy những điều rất cơ bản về sức khoẻ cảm xúc và sức khỏe tinh thần?

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng...

Giả sử một trường học tới gặp tôi và đề nghị, Chúng tôi muốn anh dạy 1 lớp về Sức khỏe tinh thần cho học sinh lớp 5, và anh muốn dạy gì cũng được.

Tôi sẽ dạy gì đây?

Đâu là những khái niệm và ý tưởng cơ bản về sức khoẻ tinh thần mà ai cũng nên học từ khi còn nhỏ? Gần như tức khắc, một từ xuất hiện trong đầu tôi: Cảm xúc.

Cả xã hội chúng ta đều dở ẹc về “bộ môn” cảm xúc.

Một điều nực cười đau đớn là trong khi ai cũng bắt đầu hiểu ra rằng cảm xúc có một tác động to lớn tới tất cả phương diện của cuộc sống, dù lớn dù bé, hầu hết chúng ta gần như hoàn toàn mù mờ về cảm xúc, kể cả những khái niệm cơ bản nhất như cảm xúc là gì và cảm xúc hoạt động như thế nào.

Bạn sẽ trả lời như thế nào nếu một học sinh lớp ba hỏi bạn cảm xúc là gì?

Yeah, khá là khó, đúng không?

Vậy nên tôi bắt đầu suy nghĩ. Bài học đầu tiên tôi sẽ dạy trong lớp học giả định này sẽ là về cảm xúc.

Dưới đây là 7 bài học mà tôi muốn tất cả học sinh lớp ba của mình được học về cảm xúc và tôi đã cố gắng viết bằng ngôn ngữ phù hợp nhất với lứa tuổi.

Chắc có lẽ cũng không có một học sinh lớp ba nào đọc được bài viết này của tôi đâu, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều sẽ được lợi khi bắt đầu tìm hiểu những khái niệm cơ bản nhất về cảm xúc và cách thức hoạt động của cảm xúc, bằng thứ ngôn từ đơn giản nhất.

1. Cảm xúc không làm hại bạn

Hãy luôn nhớ rằng dù cảm xúc dù có mãnh liệt tới mức nào đi chắc nữa, nó cũng không bao giờ giết chết bạn. Giống như khi khám răng, cảm xúc nhiều khi sẽ khó chịu hoặc thậm chí là đau đớn, nhưng cảm xúc không hề nguy hiểm. Thực tế là, cảm xúc là một trong những cách mà tâm trí đang cố gắng giúp chúng ta an toàn. Khi chúng ta cảm thấy sợ, đó là vì bộ não nghĩ rằng có một điều gì đó nguy hiểm kề bên. Và khi chúng ta cảm thấy giận, đó là vì bộ não nghĩ có một điều gì đó sai đang cần chúng ta sửa. Không phải cảm xúc lúc nào cũng đúng (có nhiều khi chúng ta cảm thấy sợ nhưng sau đó thấy chẳng có nguy hiểm gì cả), nhưng cảm xúc chỉ đơn thuần là đang cố gắng giúp đỡ chúng ta.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Còn bạn, bạn thấy cảm xúc có nguy hiểm không?)

2. Cảm xúc không phải là suy nghĩ

Suy nghĩ là những câu nói mà chúng ta tự nói với mình trong tâm trí. “Tôi là một cầu thủ rất cừ đấy", đó là một suy nghĩ. “Lỡ như thầy giáo nổi điên với mình vì mình không làm hết bài tập về nhà thì sao?”, đó cũng là một suy nghĩ. Cảm xúc diễn ra ở trong tâm trí chúng ta, giống như suy nghĩ vậy, nhưng có hơi khác một chút. Cảm xúc là cảm giác. Sự tự hào là một cảm xúc - cảm giác bạn nhận được sau khi tung một cú sút ghi bàn trong trận bóng đá. Tương tự với nỗi sợ - cảm giác bạn nhận được khi bạn tưởng tượng cảnh thầy cô cho bạn điểm thấp vì không làm bài tập. Đôi khi rất khó để phân biệt giữa cảm xúc và suy nghĩ, nhưng đây là một bài tập mà chúng ta rất nên làm.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Bạn có tách được suy nghĩ ra khỏi cảm xúc không?)

3. Cảm xúc đến từ suy nghĩ của chúng ta

Đôi khi chúng ta cảm thấy rằng cảm xúc giống như ở đâu trên trời rớt xuống trúng chúng ta. Nhưng thực tế là, cảm xúc đến từ suy nghĩ của chúng ta. Khi tôi cảm thấy thất vọng vì que kem của mình rớt xuống đất, không phải que kem trên mặt đất khiến tôi buồn mà chính là suy nghĩ về que kem khiến tôi buồn: “Xong rồi, tôi làm rớt que kem thế là bây giờ tôi chả có gì để ăn nữa.” Ngay cả khi chúng ta không thể thay đổi những điều xảy đến với chúng ta, chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về mọi thứ. Và nhiều khi điều đó có thể thay đổi cách chúng ta cảm nhận.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Bạn có thấy một cảm xúc nào không đi kèm một suy nghĩ không?)

4. Cảm xúc không phải là hành động

Bạn đã bao giờ bực tức với anh chị em hoặc bạn bè của mình rồi hét vào mặt họ chưa? Có, đúng không, tôi cũng vậy. Bực tức là một cảm xúc. Nhưng hét vào mặt họ là một hành động. Khi chúng ta cảm thấy một cảm xúc mạnh như là giận dữ hoặc sợ hãi, chúng ta thường muốn làm điều gì đó để giải toả ngay lập tức. Nhưng chúng ta nên biết là chúng ta không nhất thiết phải làm vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể chỉ cảm nhận cảm xúc đó mà không làm gì cả.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Cái làm tổn thương người khác khi bạn tức giận là cảm xúc hay là hành động của bạn?)

5. Cảm xúc không có tốt hay xấu

Đôi khi chúng ta không làm điều đúng (điều chúng ta nên làm), ví dụ như lấy đồ ăn vặt từ tủ đồ ăn khi chúng ta biết là mình đang ăn kiêng. Lấy đồ ăn vặt là sai vì chúng ta biết là nó sai và chúng ta có thể dừng việc đó lại, nhưng chúng ta vẫn cứ làm đó thôi. Hành động đó có thể coi là xấu hoặc tốt vì chúng ta có thể làm chủ hành động của chúng ta. Nhưng cảm xúc thì không có xấu hay tốt vì cảm xúc không phải là những điều chúng ta tạo ra hay là có quyền kiểm soát. Cảm thấy tội lỗi sau khi lấy đồ ăn vặt ra ăn có thể là một cảm giác xấu nhưng điều đó không có nghĩa là cảm thấy tội tỗi là một điều xấu.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Bạn có quyền tạo ra và điều khiển cảm xúc của mình không?)

6. Cảm xúc không thể bật hoặc tắt

Khi cảm xúc trở nên mãnh liệt và chúng ta không cảm thấy vui vẻ thoải mái, đôi khi chúng ta ước rằng mình có thể ấn một cái nút và tắt hết cảm xúc đi. Nhưng đó không phải là cách cảm xúc vận hành. Không có nút bật/ tắt cho nỗi buồn hay là nút điều chỉnh mức độ cho nỗi sợ. Chúng ta không thể gạt một cái công tắc và làm cho mình trở nên hạnh phúc. Cảm xúc đến và đi, nhưng không sao cả. Thường điều tốt nhất chúng ta nên làm là say Hi, chào nó một cái, rồi quay lại làm cái công việc mà chúng ta đang làm trước đó.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Cảm xúc đến rồi đi, vậy chúng đi về đâu?)

7. Cảm xúc không kéo dài lâu

Cảm xúc, thực ra, không kéo dài được lâu. Thường chỉ khoảng vài giây hoặc phút. Nhưng cảm xúc có thể kéo dài lâu hơn nữa nếu như chúng ta không ngừng suy nghĩ về chúng. Tưởng tượng bạn trả lời một câu ngu ngốc trước cả lớp và một bạn nào đó chọc bạn. Bạn có lẽ sẽ cảm thấy xấu hổ một lúc. Nhưng điều bạn nghĩ về nó sau đó mới thay đổi cảm xúc của bạn: Nếu như bạn dành nguyên ngày nhớ lại cái điều ngu ngốc đó và ước rằng bạn biết câu trả lời, bạn sẽ cứ cảm thấy xấu hổ mãi thôi. Nhưng nếu như bạn tự nói với mình “Ôi, đó chỉ là một sai sót thôi mà - ai mà chẳng có lúc sai sót" và rồi bạn tót đi chơi và nghĩ về những thứ khác, chắc bạn sẽ không cảm thấy xấu hổ sau đó nữa.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Nghĩ về những thứ khác có phải là đang “tắt chuông", đánh lạc hướng cảm xúc không nhỉ?)

Tóm lại

Vì rất nhiều lý do khác nhau, hầu hết chúng ta không được nhận sự giáo dục bài bản về cảm xúc. Ngay cả những khái niệm cơ bản như sự khác biệt giữa một cảm xúc (cơn giận) và sự thể hiện ra hành vi của cảm xúc (la hét) hoặc rất xa lạ hoặc khá mơ hồ đối với hầu hết người lớn. Và vì chúng ta không thể quay lại lớp ba để học lại những điều căn bản nhất về cảm xúc, chúng ta có thể bắt đầu suy nghĩ về chúng kĩ càng hơn ngay bây giờ, khi chúng ta đã lớn.

  • Cảm xúc đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của tôi?
  • Thái độ của tôi đối với cảm xúc là như thế nào?
  • Những thói quen về mặt cảm xúc nào nào tôi đã hình thành cho mình?
  • Có những cảm xúc nào mà tôi thường thích hoặc tránh né không?
  • Việc hiểu rõ hơn về cảm xúc sẽ giúp tôi cải thiện cuộc sống của mình như thế nào?

Self Hiil sưu tầm và biên dịch

Nguồn: https://nickwignall.com/how-to-think-about-feelings/