parallax background
 

 
Paulo Freire
Paulo Freire (1921–1997) là nhà giáo dục người Brazil. Ông là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong nền giáo dục thế giới vào cuối thế kỷ XX. Ông đóng góp to lớn trong nền sư phạm “giáo dục giải phóng con người” với việc xây dựng và khám phá nhiều thuật ngữ thiết yếu để thay thế cho mô hình giáo dục truyền thống, mô hình giáo dục mà ông gọi là “giáo dục kiểu nhà băng” (banking education), được ví như một công cụ của sự áp bức. Trong đó mô hình sư phạm “đặt vấn đề” (problem-posing) và “đối thoại" (dialogue) có thể được coi là ý tưởng trung tâm, và được xem như là một công cụ của giáo dục giải phóng con người với những tiền đề của chúng. Với ông, giáo dục là một quá trình tương tác với thế giới (world-mediated). Con người với tư cách là những sinh vật chưa hoàn thiện, có ý thức về sự chưa hoàn thiện của mình và nỗ lực trở thành con người hoàn thiện hơn.

 
Trong chương 3 của tác phẩm “Nền sư phạm của người bị áp bức” (“Pedagogy of the Oppressed”), một tác phẩm có ảnh hưởng nhất của ông (1970), Freire đã phân tích khái niệm “đối thoại" từ khái niệm “chân từ" (true word) và khẳng định “Nếu không có đối thoại sẽ không có giao tiếp, và nếu không có giao tiếp sẽ không có giáo dục chân chính.


Khi chúng ta cố gắng phân tích đối thoại như là một hiện tượng của con người, chúng ta khám phá ra tinh chất của đối thoại chính là từ ngữ. Nhưng từ ngữ không chỉ đơn thuần là công cụ giúp đối thoại diễn ra, mà chúng ta cần phải tìm ra những yếu tố cấu thành nên từ ngữ.

Trong từ ngữ chúng ta tìm thấy 2 khía cạnh: sự phản ánh (reflection) và hành động (action), trong một mối tương quan mật thiết với nhau. Nếu như một khía cạnh nào đó mất đi, dù chỉ là mất đi 1 phần nhỏ trong khía cạnh đó, thì khía cạnh còn lại cũng bị ảnh hưởng.

Không có một từ ngữ chân thật nào (true word) mà không đi kèm với một hành động. Vì vậy, khi nói một từ ngữ chân thật (true word) tức là chúng ta đang thay đổi thế giới.

(Mở ngoặc chú thích cách hiểu của người dịch về true word: True word nói nôm na là những từ mình hiểu được và làm theo được, ví như như ăn, uống… Còn từ mà mình hiểu nhưng không làm được, hoặc làm được mà không đủ hiểu để mô tả được là false word, ví dụ như vô minh, thiền…)

Một từ ngữ không chân thật (false word) sẽ không thể thay đổi thực tế. Từ ngữ không chân thật tức là từ ngữ không có đủ hai thành tố trên: sự phản ánh và hành động.

Khi một từ bị tước mất khía cạnh hành động, sự phản ánh cũng bị ảnh hưởng, và từ đó trở thành một thứ tiếng huyên thuyên, một từ rỗng tuếch không thể “phản ánh” thế giới vì sự “phản ánh” chỉ có thể được thực hiện với một cam kết thay đổi, và thay đổi sẽ không xảy ra nếu không có hành động.

Ngược lại, nếu như chỉ một khía cạnh hành động được nhấn mạnh thì sự phản ánh cũng bị ảnh hưởng, từ ngữ bị chuyển hoá thành chủ nghĩa tuyên truyền. Chủ nghĩa tuyên truyền – chỉ hành động vì ý nghĩa hành động thôi sẽ làm cho việc đối thoại trở nên khó khăn. Cho dù phần nào trong hai phần đó bị tách rời thì một từ ngữ không chân thật (false word) đã ra đời, tạo nên những suy nghĩ không chân thật, điều đó tiếp tục củng cố cho sự phân tách này.

Sự tồn tại của con người không thể thinh lặng, cũng không thể được nuôi dưỡng bằng những từ ngữ giả hiệu mà chỉ có thể được nuôi dưỡng bằng những từ ngữ chân thật giúp con người thay đổi thế giới. Để tồn tại một cách nhân văn, tức là phải gọi tên thế giới và thay đổi thế giới. Một khi đã gọi tên thế giới sẽ xuất hiện trước mặt người gọi tên nó dưới một hình hài khác, là một vấn đề cần được giải quyết và đòi hỏi người gọi tên cho nó một cái tên gọi mới. Con người không được sinh ra từ trong thinh lặng, mà từ trong từ ngữ, trong lao động, trong hành động và sự phản ánh.

Nhưng khi nói những từ ngữ chân thật (là những hành động, là thực tế) tức là đang thay đổi thế giới, việc nói từ ngữ chân thật không phải là đặc quyền của thiểu số người, mà là quyền của bất cứ ai. Nghĩa là, không ai có thể độc quyền nói những từ ngữ chân thật đó, và cũng không ai có thể nói dùm người khác, đưa ra một quy tắc để không cho người khác nói ngôn ngữ của họ.

Đối thoại là cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, giữa thế giới, để gọi tên thế giới. Vì vậy, đối thoại không thể diễn ra giữa những người muốn gọi tên thế giới và những người không muốn làm việc gọi tên này – giữa những người bãi bỏ quyền được nói của người khác và những người tự từ bỏ quyền được nói của chính mình. Những người đã từ chối quyền căn bản nhất của mình là được nói lên tiếng nói của chính mình trước tiên phải lấy lại quyền này và ngăn chặn sự tiếp diễn của cuộc lấn quyền “khử nhân tính” này.

Nếu như trong lúc đối thoại, con người thay đổi thế giới bằng cách gọi tên thế giới, đối thoại chính là cách thức mà con người cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống loài người. Vậy nên đối thoại là nhu cầu tồn tại (nhu cầu hiện sinh).

Và vì đối thoại là cuộc gặp gỡ mà ở đó sự hợp nhất giữa sự phản ánh và hành động của người đối thoại được giới thiệu với thế giới, để thay đổi thế giới và để người đối thoại trở nên “con người hơn” nên việc đối thoại không thể gói gọn dưới hình thức một vài người nào đó “ký gửi” ý tưởng vào người còn lại, hoặc cũng không thể là một cuộc trao đổi ý tưởng đơn giản của những người tham gia. Nó cũng không phải là những cuộc tranh cãi thù địch và khiêu khích của những người không muốn gọi tên thế giới hay tìm kiếm sự thật, mà chỉ muốn áp đặt sự thật của mình lên người khác.

Bởi vì đối thoại là cuộc gặp gỡ giữa những con người muốn gọi tên thế giới, nên đối thoại không thể diễn ra theo kiểu một số người gọi tên giúp một số người còn lại. Đối thoại là một hoạt động tạo tác, chứ nó không thể là một phương tiện được tạo ra để một bên thống trị bên còn lại. Sự thống trị ngầm trong cuộc đối thoại là sự thống trị thế giới ở trong đoạn hội thoại đó, đó là cuộc chinh phục thế giới để giải phóng loài người.

Tuy nhiên, đối thoại không thể tồn tại nếu thiếu đi một tình yêu sâu sắc dành cho con người và thế giới. Việc gọi tên thế giới, vốn dĩ là một hoạt động tạo ra rồi tái tạo, sẽ không thể diễn ra nếu như nó không được tạo ra cùng với tình yêu. Tình yêu chính là nền tảng của đối thoại, và cũng chính là bản thân cuộc đối thoại. Do vậy, đối thoại chính là hoạt động của những chủ thể có trách nhiệm và đối thoại không thể tồn tại trong mối quan hệ thống trị. Thống trị bệnh lý tình yêu: bệnh ác dâm trong người thống trị, bệnh khổ dâm trong người bị thống trị. Vì tình yêu bắt nguồn từ sự dũng cảm chứ không phải từ nỗi sợ, tình yêu là sự cam kết với người khác. Dù sự áp bức có diễn ra ở đâu đi chăng nữa thì khi tình yêu luôn luôn bắt nguồn từ sự cam kết với sự nghiệp khai phóng con người. Và sự cam kết này, bởi vì nó là tình yêu, nên nó cũng mang tính đối thoại, nếu không thì đó không phải là tình yêu. Vì là hành động can đảm, tình yêu không thể uỷ mị. Vì là hành động tự do, tình yêu không có chỗ cho sự thao túng. Nó phải cỗ vũ cho sự tự do của người khác, nếu không, đó không phải là tình yêu. Chỉ khi sự áp bức bị bãi bỏ thì tình yêu mới được hồi sinh khỏi sự giết chết của việc áp bức đó. Nếu tôi không yêu thế giới, nếu tôi không yêu cuộc sống, nếu tôi không yêu con người, tôi sẽ không thể đối thoại.

Mặt khác, đối thoại không thể tồn tại mà không có tính khiêm tốn. Việc gọi tên thế giới mà thông qua đó con người liên tục tái tạo thế giới sẽ không thể diễn ra với sự ngạo mạn. Là một cuộc gặp gỡ của những người cùng nhau học hỏi và hành động, đối thoại sẽ bị phá vỡ nếu như các bên (hoặc một trong số đó) thiếu sự khiêm nhường. Làm sao tôi có thể đối thoại nếu như tôi luôn thấy người khác ngu dốt và không bao giờ nhìn lại sự ngu dốt của mình? Làm sao tôi có thể đối thoại nếu như tôi luôn tự tách tôi khỏi những người còn lại? Làm sao tôi có thể đối thoại nếu như tôi tự cho mình là một thành viên của nhóm tinh hoa nắm giữ kiến thức và sự thật, những thành viên ngoài nhóm là những người “cùng khổ” là những người chưa được khai sáng? Làm sao tôi có thể đối thoại nếu như tôi có một ý niệm rằng việc gọi tên thế giới là nhiệm vụ của một đấng nào đó và sự hiện diện của con người trong lịch sử chỉ làm cho mọi thứ trở nên xấu hơn nên cần loại bỏ? Làm sao tôi có thể đối thoại được nếu như tôi khó chịu với sự tham gia đóng góp của những người khác? Làm sao tôi có thể đối thoại được nếu như tôi sợ bị thay thế, khả năng sẽ khiến tôi cảm thấy đau khổ và yếu đuối? Sự tự mãn không thể đi chung với đối thoại. Những người thiếu khiêm tốn (hoặc không còn khiêm tốn nữa) không thể cùng gọi tên thế giới với người khác. Một người nếu chưa nhận ra mình cũng sẽ chết như bao người bình thường khác sẽ còn một đoạn đường dài trước khi họ có thể bắt đầu đối thoại. Lúc đối thoại, không tồn tại sự ngu dốt đỉnh cao hay sự khôn ngoan hoàn hảo mà chỉ có những con người đang cùng nhau cố gắng học những điều chúng ta còn chưa biết.

Đối thoại hơn nữa còn đòi hỏi một niềm tin sâu sắc vào con người, niềm tin vào quyền năng khởi tạo và tái tạo, niềm tin vào thiên hướng muốn trở thành một con người hoàn thiện (đây không phải là đặc quyền của giới tinh hoa mà là quyền khi sinh ra đã có của tất cả mọi người).
Niềm tin vào con người là yêu cầu trước nhất của đối thoại, người thực sự đối thoại là là người tin vào người khác ngay cả khi chưa gặp mặt họ. Tuy nhiên, niềm tin này không ngây ngô. Người thực sự đối thoại này có suy xét và biết rằng dù con người có quyền tạo ra và thay đổi, nhưng trong một số tình huống bất hoà, khả năng sử dụng quyền đó của họ có thể bị suy giảm. Tuy nhiên, người đó không vì như vậy mà mất lòng tin vào con người, ngược lại, người đó coi điều này là một thử thách mà mình phải vượt qua. Người này biết rằng quyền năng tạo ra và thay đổi, dù có thể bị cản trở trong một số tình huống cụ thể, sẽ có xu hướng hồi sinh. Và sự hồi sinh đó có thể diễn ra, không phải vô cớ, mà trong sự đấu tranh đòi giải phóng –thay thế lao động nô lệ bằng lao động giải phóng mang đến sự hứng khởi và niềm yêu thương cuộc sống. Nếu không có niềm tin với con người, đối thoại là một trò hề mà trước sau gì cũng sẽ biến tướng thành sự thao túng gia trưởng.

Do được tạo ra từ tình yêu, sự khiêm nhường và niềm tin vào con người, đối thoại trở thành một mối quan hệ ngang hàng mà đôi bên cùng tin tưởng lẫn nhau.
Nếu như đối thoại không tạo ra một không khí tin tưởng lẫn nhau, tạo nên một sự hợp tác bền chặt hơn giữa các bên tham gia đối thoại, thì sẽ rất mâu thuẫn với định nghĩa của đối thoại – yêu thương, khiêm nhường và tràn đầy niềm tin. Ngược lại, sự tin tưởng như vậy không hề xuất hiện trong mô hình “giáo dục kiểu nhà băng" chống lại đối thoại. Khi niềm tin vào con người được xác định là yếu tố tiên quyết của đối thoại, lòng tin sẽ được hình thành thông qua đối thoại. Nếu lòng tin cần được tạo ra chứ không được tự nhiên hình thành, điều đó có nghĩa là những yếu tố tiên quyết bị thiếu sót. Tình yêu giả tạo, sự khiêm tốn giả tạo và niềm tin yếu ớt sẽ không thể tạo nên sự tin tưởng. Sự tin tưởng phụ thuộc vào những chứng cứ rõ ràng mà một bên cung cấp cho bên còn lại về những ý định thực sự của mình, sự tin tưởng sẽ không tồn tại nếu như lời nói và hành động của một bên không ăn khớp với nhau. Nói một đằng làm một nẻo, coi nhẹ lời nói của mình sẽ không thể tạo nên sự tin tưởng. Tôn vinh nền dân chủ trong khi bịt miệng người dân là một trò hề, diễn thuyết về chủ nghĩa dân quyền trong khi phủ định con người chính là một sự lừa bịp.

(Chú thích của người dịch: “Giáo dục kiểu nhà băng" là thuật ngữ chỉ về nền giáo dục mà người dạy cố gắng “nhồi sọ" kiến thức vào người học như là một hoạt động “kí gửi". Bạn có thể xem thêm khái niệm này ở chương 2)

Cuối cùng, sự đối thoại đích thực không thể tồn tại nếu như những người tham gia đối thoại không có tư duy phản biện. Tư duy phản biện là tư duy nhận thức rõ về sự thống nhất không thể phân tách được giữa thế giới và con người và thừa nhận rằng không có một sự phân tách nào giữa thế giới và con người. Tư duy phản biện là tư duy nhìn nhận thực tế là một quá trình, là một sự chuyển đổi chứ không phải là một thực thể tĩnh tại. Tư duy phản biện là tư duy mà không tách rời bản thân việc tư duy ra khỏi hành động, luôn luôn hoà mình vào sự vận động của thế giới mà e ngại rủi ro. Tư duy phản biện trái ngược với tư duy “ngây thơ” (naive thinking). Tư duy “ngây thơ” thấy “thời điểm lịch sử là một cái mốc, một sự phân tầng của những điều thu được và kinh nghiệm trong quá khứ” “mà từ đó hiện tại phải hoà vào và “cư xử đúng mực””. Vì đối với người suy nghĩ ngây thơ, điều quan trọng là sự thích ứng với một thực tại đã được bình thường hoá. Đối với người suy nghĩ phản biện, điều quan trọng nhất là sự biến đổi không ngừng của thực tế, thể hiện cho sự tiến hoá không ngừng của con người. Theo lời của Pierre Furter:

Mục tiêu không còn là loại bỏ những rủi ro của tính tạm thời bằng cách bám vào một không gian đảm bảo mà là tạm thời hoá không gian. Vũ trụ hiện ra đối với tôi không phải là một không gian to lớn bao la mà tôi phải thích ứng với, mà là một phạm vi, một miền không gian hình thành khi tôi hành động. Đối với tư duy “ngây thơ”, mục tiêu chỉ là bám giữ vào không gian được đảm bảo này và thích ứng với nó. Do đó, nó phủ nhận tính tạm thời, và cũng phủ nhận chính nó.


Chỉ có đối thoại, đòi hỏi tư duy phản biện, mới có thể tạo ra tư duy phản biện. Nếu không có đối thoại sẽ không có giao tiếp, và nếu không có giao tiếp sẽ không có giáo dục chân chính. Giáo dục có khả năng giải quyết mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh diễn ra trong hoàn cảnh mà cả đôi bên đều thể hiện nhận thức của mình về một đối tượng trung gian. Do đó, đặc tính đối thoại của giáo dục chính là sự thực hành tự do, đối thoại không bắt đầu khi giáo viên-học sinh gặp gỡ học sinh – giáo viên trong một tình huống sư phạm, mà đối thoại bắt đầu khi người đầu tiên tự hỏi chính mình rằng mình sẽ đối thoại điều gì với người còn lại. Và sự bận tâm đến nội dung của cuộc đối thoại thực ra chính là sự bận tâm đến nội dung chương trình giáo dục.

Đối với những nhà “giáo dục kiểu nhà băng" chống lại đối thoại, câu hỏi về nội dung chỉ liên quan tới chương trình mà người đó sẽ thuyết giảng với học sinh và người giáo viên trả lời câu hỏi của chính họ bằng cách thiết kế chương trình của chính họ. Đối với giáo viên – học sinh trong mô hình giáo dục đặt vấn đề, nội dung chương trình giáo dục không phải là quà tặng cũng không phải là một sự áp đặt những mẩu thông tin kí gửi vào học viên mà chính là sự diễn giải lại, trình bày lại một cách có tổ chức, hệ thống và phát triển cho học sinh những điều mà họ muốn biết.

Giáo dục chân chính không thể thực hiện bằng cách “A” cho “B” hoặc “A” về “B” mà là bằng cách “A” với “B”, nơi trung gian là thế giới – một thế giới gây ấn tượng và thách thức đối với cả hai bên, và khởi lên những ý kiến và quan điểm về nó. Những quan điểm này, được thêm thắt vào đó sự lo lắng, những nghi ngờ, sự hi vong hoặc sự vô vọng bao hàm những chủ đề quan trọng mà dựa vào đó nội dung chương trình giáo dục được xây dựng. Với nỗ lực để tạo ra một hình mẫu lý tưởng của một con người “chân chính”, chủ nghĩa nhân văn được hiểu một cách ngây thơ thường bỏ qua tính cụ thể, hiện sinh và thực tế của con người thật. Chủ nghĩa nhân văn thực sự, từ của Pierre Furter dùng, bao gồm việc cho phép sự xuất hiện của nhận thức về con người đầy đủ của chúng ta như là một điều kiện và như là một nghĩa vụ, như là một hoàn cảnh và như là một dự án. “Chúng ta không thể đơn giản đi tới những người lao động – dù thành thị hay nông thôn, và theo kiểu nhà băng, phân phát cho họ kiến thức hoặc để ép buộc họ về học một chương trình về hình mẫu con người “chân chính” mà chúng ta tự xây dựng. Nhiều kế hoạch giáo dục và chính trị đã thất bại chỉ vì tác giả thiết kế dựa trên góc nhìn cá nhân của họ về thực tế và không bao giờ cân nhắc tới những con-người-trong-tình-huống mà chương trình của họ đang hướng tới.

Đối với những nhà giáo dục thực sự nhân văn và những nhà cách mạng đích thực, đối tượng của hành động chính là thực tế mà họ cùng với những người khác biến đổi chứ không phải là chỉ bản thân họ biến đổi. Những người áp bức là những người tác động tới người khác để nhồi sọ họ và điều chỉnh họ sao cho hợp với một thực tế nguyên vẹn (không được đụng tới). Tuy nhiên, đáng tiếc thay vì mong muốn có được sự ủng hộ của mọi người cho hoạt động giải phóng, những nhà lãnh đạo phong trào giải phóng thường rơi vào trường phái giáo dục ngân hàng lên kế hoạch nội dung chương trình từ trên xuống. Họ tiếp cận với nông dân hoặc quần chúng thành thị với những kế hoạch theo góc nhìn của chính họ về thế giới, chứ không phải góc nhìn của nhân dân. Họ quên rằng mục đích chính của họ là chiến đấu cùng với nhân dân để phục hồi “tính người” đã mất của những con người đó, chứ không phải thu phục thiên hạ về phía mình. Những cụm từ như vậy không có trong từ điển của những nhà lãnh đạo cách mạng, mà chỉ có ở những kẻ áp bức. Vai trò của cách mạng là giải phóng và được giải phóng, cùng với nhân dân, chứ không phải là giành lấy nhân dân.

Trong hoạt động chính trị của mình, giới tinh hoa thống trị sử dụng mô hình “giáo dục kiểu nhà băng" để khuyến khích sự bị động của người bị áp bức, tương ứng với trạng thái ý thức chìm đắm và lợi dụng sự bị động đó để lấp đầy ý thức của họ bằng những khẩu hiệu tạo ra nhiều nỗi sợ tự do hơn. Hành động này không phù hợp với những hoạt động khai phóng đích thực.

Thông qua việc chỉ ra cho những người bị áp bức thấy rằng những khẩu hiệu của kẻ áp bức là một vấn đề, những hoạt động khai phóng đích thực giúp đỡ người bị áp bức “tống khứ” những khẩu hiệu này ra khỏi con người họ. Suy cho cùng, nhiệm vụ của những người theo chủ nghĩa nhân văn chắc chắn không phải là mang khẩu hiệu của mình đi chiến đấu với khẩu hiệu của những kẻ áp bức, coi những người áp bức như một bãi thử nghiệm chứa hết khẩu hiệu của nhóm này tới nhóm khác. Ngược lại, nhiệm vụ của những người theo chủ nghĩa nhân văn là thấy rằng khi người bị áp bức ý thức hơn được về việc họ không thể trở thành một con người thực thụ nếu như họ cứ sống như một sinh vật kép, “chứa” những kẻ áp bức trong mình.

Nhiệm vụ này ngụ ý rằng những nhà lãnh đạo cách mạng không đi đến người dân để đưa cho họ một thông điệp về “sự cứu rỗi” mà để đối thoại với người dân để biết được hoàn cảnh khách quan của họ và nhận thức của họ về hoàn cảnh đó – các cấp độ khác nhau của nhận thức về bản thân họ và về thế giới mà họ đang sống. Người ta không thể mong đợi những kết quả tích cực từ một chương trình hành động trong lĩnh vực giáo dục hoặc chính trị mà chương trình thất bại trong việc tôn trọng góc nhìn riêng về thế giới của người đó. Những chương trình như vậy tạo nên cuộc xâm lược văn hoá, dù rằng mục đích ban đầu là tốt.

Điểm bắt đầu của việc tổ chức nội dung chương trình các hoạt động giáo dục hoặc chính trị phải là các tình huống hiện hữu cụ thể, phản ánh được nguyện vọng của người dân. Tận dụng những mâu thuẫn cơ bản nhất định, chúng ta phải trình bày các tình huống hiện hữu cụ thể này với người dân như một vấn đề thử thách họ và cần họ giải quyết – không phải chỉ ở cấp độ trí tuệ mà là ở cấp độ hành động.

Chúng ta không bao giờ chỉ đơn thuần diễn thuyết về hoàn cảnh hiện tại, không bao giờ cung cấp cho người dân những chương trình ít hoặc không liên quan tới những mối bận tâm, nghi ngờ, hy vọng và nỗi sợ hãi của họ - những chương trình đôi khi chỉ gia tăng nỗi sợ hãi của một ý thức bị áp bức.

Vai trò của chúng ta không phải là nói với người dân quan điểm của chúng ta về thế giới hay là cố gắng áp đặt quan điểm đó lên họ, mà là đối thoại với người dân về quan điểm của họ và quan điểm của chúng ta. Chúng ta phải nhận ra rằng quan điểm của họ về thế giới, thể hiện đa dạng thông qua hành động của họ, phản ánh “tình hình” của họ trong thế giới. Hoạt động giáo dục và chính trị nếu như không ý thức được tình hình này sẽ gặp phải rủi ro hoặc là “giáo dục kiểu nhà băng” hoặc là rao giảng ở trong hoang mạc.

Thông thường, những nhà giáo dục và nhà chính trị nói mà không ai hiểu bởi vì ngôn ngữ của họ không phù hợp với tình hình cụ thể của những người mà họ tiếp xúc. Theo đó, bài nói của họ là những bài hùng biện khoa trương xa lạ. Ngôn ngữ của nhà giáo dục hay nhà chính trị (và ngày càng rõ ràng rằng nhà chính trị cũng trở thành nhà giáo dục, theo nghĩa rộng nhất của từ này), giống như ngôn ngữ của con người, không thể tồn tại nếu thiếu suy nghĩ, và ngôn ngữ hay là suy nghĩ cũng không thể tồn tại nếu thiếu cấu trúc mà nó liên hệ tới. Để giao tiếp hiệu quả, nhà giáo dục hoặc nhà chính trị phải hiểu được điều kiện cấu trúc mà trong đó suy nghĩ và ngôn ngữ của người dân hình thành một cách biện chứng với nhau.

Chúng ta phải đi tìm nội dung chương trình giáo dục từ thực tế của con người, và từ nhận thức của nhà giáo dục và con người về thực tế đó. Cuộc điều tra mà tôi đã gọi là “vũ trụ chủ đề” – sự kết hợp của những chủ đề thời đại (generative themes) của họ - khiến đối thoại trong giáo dục trở thành một sự thực hành tự do. Phương pháp của cuộc điều tra đó phải mang tính đối thoại, tạo cơ hội cho cả hai bên để khám phá ra chủ đề thời đại và thúc đẩy nhận thức của người dân liên quan đến những chủ đề này. Phù hợp với mục đích khai phóng của giáo dục đối thoại, đối tượng của cuộc điều tra này không phải là những con người (như họ là những mảnh ghép giải phẫu) mà là ngôn ngữ tư duy mà con người đề cập đến thực tế, các cấp độ mà họ nhận thức về thực tế đó, và quan điểm của họ về thế giới mà trong đó chủ đề thời đại được tìm thấy.

Trước khi mô tả chính xác hơn về một “chủ đề thời đại", và làm rõ ý nghĩa của "vũ trụ chủ đề tối thiểu", tôi nghĩ rằng chúng ta không thể bỏ qua việc trình bày một vài phản ánh sơ bộ. Khái niệm “chủ đề thời đại" không phải là một phát minh tùy tiện và cũng không phải là một giả thuyết đang cần được chứng minh. Nếu đó là một giả thuyết cần được chứng minh, cuộc điều tra ban đầu sẽ không phải là tìm cách xác định chắc chắn bản chất của chủ đề đó, mà là sự tồn tại hay không tồn tại của chính chủ đề. Trong trường hợp đó, trước khi cố gắng hiểu về chủ đề về ở khía cạnh sự phong phú, ý nghĩa, tính đa dạng, sự chuyển hoá và cấu phần lịch sử, trước tiên chúng ta phải xác minh xem nó có phải là một sự thật khách quan hay không; chỉ khi đó chúng ta mới có thể tiến hành nắm bắt và tìm hiểu về đối tượng. Mặc dù thái độ nghi ngờ phê phán là chính đáng, nhưng dường như chúng ta có thể xác minh tính thực tế của “chủ đề thời đại" - không chỉ thông qua kinh nghiệm sống của bản thân mỗi chúng ta, mà còn thông qua sự phản ánh mối quan hệ giữa con người và thế giới và mối quan hệ giữa những con người với nhau.

Điều này đáng được lưu tâm nhiều hơn. Người ta có thể nhớ rõ - tưởng chừng như sáo mòn - rằng, trong số những sinh vật chưa hoàn thiện, con người là sinh vật duy nhất không chỉ xem hành động của mình mà còn xem chính bản thân mình như là một đối tượng để phản ánh. Năng lực này phân biệt con người với các loài động vật khác vì động vật không thể tách mình ra khỏi hoạt động của chúng và do đó không có khả năng phản ánh. Sự phân biệt không thể lầm lẫn về bề ngoài này thể hiện ranh giới quy định hành động của mỗi đối tượng trong không gian sống của nó. Bởi vì hoạt động của động vật là một phần mở rộng của chúng, nên kết quả của hoạt động đó cũng không thể tách rời với chính chúng: động vật không thể đặt ra mục tiêu cũng như không tạo ra bất kì ý nghĩa nào cho sự biến đổi bản chất của chúng ngoại trừ chính bản thân chúng. Hơn nữa, “quyết định” thực hiện hoạt động này không thuộc về chính bản thân động vật đó mà thuộc về giống loài của chúng. Do đó, về cơ bản, động vật chính là "bản thể ở trong chính nó" (being in themselves).

Vì không thể tự đưa ra quyết định cũng không thể đưa ra một cái nhìn khách quan về bản thân và hành động của chính mình, vì thiếu những mục tiêu do mình tự đặt ra, sống "chìm đắm" trong một thế giới mà không tự tạo nên ý nghĩa gì, vì thiếu "ngày mai" và "hôm nay" do tồn tại trong một hiện tại “choáng ngợp”, động vật là một phạm trù phi lịch sử. Cuộc sống “phi lịch sử" của động vật không diễn ra trong “thế giới" - với ý nghĩa nghiêm ngặt nhất của từ này, vì với động vật, thế giới không cấu thành từ cái “không tôi" (not-I), chính cái “không tôi" này mới là thứ có thể phân biệt nó như một cái “Tôi". Thế giới con người là một phạm trù lịch sử, chỉ đóng vai trò như một “đạo cụ" (prop) cho “bản thể ở trong chính nó". Động vật không bị thách thức bởi những hoàn cảnh mà nó cần phải đương đầu, động vật chỉ đơn thuần bị kích thích. Cuộc sống của chúng không cần phải chấp nhận rủi ro, vì chúng không ý thức được việc chấp nhận rủi ro. Rủi ro không phải là những thách thức mà chúng nhận ra thông qua quá trình tự phản ánh, mà chỉ đơn thuần được “ghi nhận" bằng những dấu hiệu của rủi ro, do đó quá trình này không cần phải đưa ra những phản hồi mang tính chất “ra quyết định lựa chọn". Do đó, động vật không thể tự ra lệnh cho chính mình. Tính phi lịch sử của động vật không cho phép chúng “nhận trách nhiệm" với cuộc sống. Bởi vì chúng không "nhận trách nhiệm với cuộc sống," chúng không thể xây dựng nó; và nếu chúng không xây dựng nó, chúng không thể biến đổi cấu hình của nó. Chúng cũng không thể nhận thức rằng mình bị hủy hoại bởi cuộc sống, vì chúng không thể mở rộng thế giới "đạo cụ" của mình thành một thế giới biểu tượng có ý nghĩa bao gồm văn hóa và lịch sử. Kết quả là, động vật không "động vật hóa" chính cấu hình của chúng để tự “động vật hóa” - cũng không tự "khử động vật hoá" chính bản thân mình. Ngay cả trong rừng, chúng vẫn chỉ là "bản thể ở trong chính nó" ("beings-in-themselves,"), cũng giống như những động vật sống trong sở thú.

Ngược lại, con người — nhận thức được hoạt động của mình và của thế giới xung quanh mình, hành động theo những mục tiêu mà mình đề ra, tự có quyền quyết định trong mình và trong mối quan hệ của mình với thế giới và với những người khác, ảnh hưởng tới thế giới thông qua sự hiện diện của mình và thông qua những phương tiện chuyển đổi mà con người tác động lên thế giới. Không giống như động vật, con người không chỉ sống, mà còn tồn tại và sự tồn tại của con người có tính chất lịch sử. Động vật sống trong trên một thế giới “đạo cụ” (prop) bằng phẳng và đồng nhất, con người tồn tại trong một thế giới mà họ không ngừng tái tạo và biến đổi. Đối với động vật, “ở đây" chỉ là một môi trường sống mà chúng tiếp xúc còn đối với con người, “ở đây” không chỉ biểu thị một không gian vật chất mà còn biểu thị một không gian mang tính chất lịch sử.

Nói chính xác là, "ở đây," "bây giờ," "ở đó", "ngày mai" và "hôm qua" không tồn tại đối với con vật, cuộc sống của chúng hoàn toàn thiếu ý thức và đã được xác định trước. Động vật không thể vượt qua các giới hạn được áp đặt bởi "đây", "bây giờ" hoặc "ở đó”.

Tuy nhiên, con người, vì họ nhận thức được bản thân và thế giới - vì họ là những sinh vật có ý thức - tồn tại trong mối quan hệ biện chứng giữa việc xác định giới hạn và sự tự do của chính mình. Khi con người tách mình ra khỏi thế giới mà họ khách quan hóa, tách mình ra khỏi hoạt động của chính mình, khi con người xác định được vai trò người ra quyết định trong chính bản thân mình và trong mối quan hệ của chính mình với thế giới và với những người khác, con người vượt qua được những tình huống giới hạn họ (sau đây gọi là “những tình huống giới hạn”). “Những tình huống giới hạn” này từng được các cá nhân coi là gông cùm, là chướng ngại cho công cuộc giải phóng của họ, chúng đứng đó sừng sững và thể hiện bản chất thực sự của mình chính là những khía cạnh lịch sử cụ thể của một thực tại đã “được cho sẵn". Con người phản ứng với thử thách bằng những hành động mà Vieira Pinto gọi là "hành động giới hạn": những hành động hướng đến việc phủ định và vượt qua, thay vì chấp nhận một cách thụ động những điều "được cho sẵn".

Do đó, không phải trong những “tình huống giới hạn” hoặc là chính bản thân những tình huống giới hạn đó tạo ra bầu không khí vô vọng, mà đó chính là cách con người nhìn nhận tại một thời điểm lịch sử nhất định, dù “tình huống giới hạn" xuất hiện như những gông cùm hay những rào cản không thể vượt qua. Khi nhận thức sáng rõ của con người được thể hiện thông qua một hành động, một luồng hy vọng và một sự tự tin khởi lên khiến con người nỗ lực vượt qua những “tình huống giới hạn”. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua hành động dựa trên thực tế lịch sử cụ thể, ở đó có các “tình huống giới hạn”. Khi thực tế được biến đổi và những “tình huống giới hạn” này được thay thế, những tình huống mới sẽ xuất hiện, từ đó tạo nên những hành vi giới hạn mới.

Thế giới “đạo cụ" của động vật không có những tình huống giới hạn, do tính chất phi lịch sử của chúng. Tương tự như vậy, động vật thiếu khả năng luyện tập các hành vi giới hạn vì các hành vi giới hạn đòi hỏi một thái độ “ra quyết định” đối với thế giới: tách khỏi thế giới và khách thể hóa thế giới để biến đổi nó. Bị ràng buộc một cách hữu cơ vào thế giới “đạo cụ", động vật không phân biệt được chúng và thế giới. Do đó, động vật không bị giới hạn bởi các “tình huống giới hạn” — vốn có tính lịch sử — mà bị giới hạn bởi toàn bộ thế giới “đạo cụ". Và vai trò thích hợp nhất của động vật không liên quan đến “đạo cụ” của chúng (trong trường hợp đó, “đạo cụ" chính là một thế giới) mà liên quan đến việc thích nghi với thế giới “đạo cụ” đó. Do đó, khi động vật "sản xuất" một cái tổ ví dụ một tổ ong hoặc một cái hang chẳng hạn, chúng không tạo ra những sản phẩm là kết quả của "những hành vi giới hạn", tức là những phản ứng biến đổi. Hoạt động sản xuất của chúng phụ thuộc vào việc thỏa mãn nhu cầu thể chất đơn giản chính là những kích thích, thay vì đáp ứng lại với những thử thách. "Sản phẩm của động vật ngay lập tức thuộc về cơ thể vật chất của nó, trong khi con người tự do đối mặt với sản phẩm của mình."

Chỉ những sản phẩm là kết quả của hoạt động của một sinh vật nhưng không thuộc về cơ thể vật chất của nó (mặc dù những sản phẩm này có thể mang dấu ấn của nó), mới có thể mang lại khía cạnh ý nghĩa cho bối cảnh, từ đó tạo nên một thế giới. Một sinh vật có khả năng tạo ra những sản phẩm như vậy (người đó nhất thiết phải nhận thức được về bản thân, là một "bản thể cho chính mình" (“being for himself”)) không thể “tồn tại” nếu người đó không “ở trong quá trình tồn tại” của thế giới mà người đó có liên hệ tới; cũng như thế giới sẽ không còn tồn tại nếu sinh vật này không tồn tại.

Sự khác biệt giữa động vật - những sinh vật không thể tạo ra các sản phẩm tách rời khỏi chúng (vì hoạt động của chúng không bao gồm các hành vi giới hạn) và con người - những sinh vật thông qua hành động của mình tác động vào thế giới tạo nên cái gọi là văn hóa và lịch sử - là chỉ có con người mới là sinh vật của hành động có ý thức. Chỉ có con người là sinh vật của những hành động có ý thức, bao gồm sự phản ánh và hành động thực sự biến đổi thực tại, đó chính là nguồn gốc của tri thức và sự sáng tạo. Hoạt động của động vật, diễn ra mà không có ý thức, không có tính sáng tạo; hoạt động biến đổi của con người ngược lại đầy tính sáng tạo.

Là một sinh vật sáng tạo và có tính biến đổi, con người trong mối quan hệ lâu dài với thực tại không chỉ sản xuất ra của cải vật chất - những vật thể hữu hình - mà còn các thể chế xã hội, ý tưởng và khái niệm. Thông qua quá trình liên tục hành động có ý thức, con người cùng lúc tạo nên lịch sử và những sinh vật lịch sử - xã hội. Bởi vì — trái ngược với động vật — con người có thể biến thời gian thành 3 chiều: quá khứ, hiện tại và tương lai; lịch sử của con người được hình thành phụ thuộc vào chính những phát minh của con người, phát triển như một quá trình biến đổi liên lục trong đó các đơn vị thời gian được thực thể hoá/ vật chất hoá. Những đơn vị thời gian này không phải là những khoảng thời gian khép kín, những khoang tĩnh mà trong đó con người bị giam giữ. Nếu nó là khoang tĩnh thì điều kiện cơ bản của lịch sử chính là tính liên tục sẽ biến mất. Ngược lại, các đơn vị thời gian mang tính thời đại (epochal units) liên hệ với nhau chặt chẽ trong sự hình thành nên tính liên tục của lịch sử.

Một thời đại được đặc trưng bởi sự phức hợp của các ý tưởng, khái niệm, hy vọng, nghi ngờ, giá trị và thách thức trong sự tương tác biện chứng với các mặt đối lập của chúng, phấn đấu hướng tới sự toàn vẹn. Sự thể hiện cụ thể của nhiều ý tưởng, giá trị, khái niệm và hy vọng này, cũng như những trở ngại cản trở sự nhân bản hóa hoàn toàn của con người, đã tạo thành các chủ đề của thời đại đó. Những chủ đề này bao hàm những chủ đề đối lập trong đó, thậm chí có những chủ đề phản tôn giáo; chúng cũng chỉ ra các nhiệm vụ cần phải được thực hiện và hoàn thành. Vì vậy, các chủ đề lịch sử không bao giờ cô lập, độc lập, ngắt kết nối, hoặc tĩnh tại; chúng luôn tương tác biện chứng với các mặt đối lập của chúng. Cũng không thể tìm thấy những chủ đề này ở bất cứ đâu ngoại trừ mối quan hệ giữa con người và thế giới. Sự phức hợp của các chủ đề tương tác lẫn nhau trong một thời đại tạo thành "chủ đề thời đại".


Tài liệu tham khảo:

Freire, P. (1970, 1993). Chapter 3 In Pedagogy of the Oppressed. London: The Continuum International Publishing Group. Retrieved from http://www.historyisaweapon.com/defcon2/pedagogy/pedagogychapter3.html

Freire, P. (n.d.). Concepts Used By Paulo Freire. Freire Institute. Retrieved from https://www.freire.org/paulo-freire/concepts-used-by-paulo-freire