parallax background

3 cấp độ tự nhận thức là gì và vì sao chúng ta đều vật vờ sống ở cấp độ 1?

 

Nhận thức về bản thân cũng giống như những cuộc làm tình tuyệt vời: Ai cũng nghĩ là mình biết, nhưng chẳng mấy ai biết rằng mình làm việc đó dở tệ.

Có một sự thật là đa phần các suy nghĩ và hành vi của chúng ta đều rất bản năng. Đây cũng không phải là một điều xấu. Những thứ bản năng như thói quen, sở thích và phản xạ luôn dẫn lối chúng ta trong cuộc sống. Đó là lý do chúng ta không tốn sức đắn đo mỗi khi đi vệ sinh hay lái xe.

Vấn đề ở chỗ chúng ta sống theo bản năng quá lâu đến độ quên mất cả việc đó. Và khi không nhận thức được, ta không còn quyền kiểm soát chúng nữa mà chính chúng đang kiểm soát ta.

Người có khả năng tự nhận thức sẽ để ý đến việc họ ăn uống vô độ mỗi khi trầm cảm. Người không có nhận thức thì chỉ ăn thôi mà chẳng bao giờ bận tâm đến lý do.

Dưới đây là ba cấp độ của tự nhận thức.

Cấp độ 1 - Bạn đang làm cái quái gì thế?

Có rất nhiều đau khổ mà ta phải đối mặt trong cuộc sống. Trong vòng 30 ngày trước, đã bao nhiêu lần bạn:
  • Gặp khó khăn trong mối quan hệ với những người xung quanh?
  • Cảm thấy cô đơn, bị cô lập hay không được lắng nghe?
  • Cảm thấy chẳng làm được gì nên hồn hoặc chẳng biết mình nên làm gì?
  • Thiếu ngủ, thiếu ăn, thiếu năng lượng hay yếu ớt?
  • Lo lắng về công việc hoặc tài chính?
  • Không biết tương lai đi về đâu?
  • Cơ thể kiệt quệ, ốm đau hay suy nhược?
Nếu bạn thử cộng tất cả những điều trên vào, có lẽ gần như là 30/30 ngày bạn gặp phải những điều này. Hàng đống những điều đau khổ. Rồi chúng ta cố trốn chạy khỏi nó bằng cách trở nên sao nhãng. Tâm trí ta chuyển dịch đến chiều không gian và thời gian khác nơi mà nó tạm thoát khỏi nỗi đau ở thực tại. Chúng ta không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, trở nên ám ảnh với quá khứ và tương lai, lên những kế hoạch mà chẳng bao giờ làm hoặc cố gắng lờ đi.

Chúng ta ăn, uống và cố làm tâm trí mình tê liệt hòng quên đi những vấn đề đang hiện hữu. Chúng ta dùng sách, phim ảnh, game và âm nhạc để mang mình tới một thế giới, nơi mà nỗi đau không còn tồn tại và mọi thứ luôn dễ dàng. Chẳng có gì sai khi ta trở nên sao nhãng. Đôi khi, việc chuyển hướng suy nghĩ khiến chúng ta giữ được sự tỉnh táo và lạc quan.

Vấn đề nằm ở chỗ ta cần nhận biết khi nào mình trở nên sao nhãng.

Nói cách khác, chúng ta cần phải chắc chắn rằng chúng ta đang lựa chọn những trò giải trí chứ không phải chúng lựa chọn ta. Chúng ta là người chọn sự sao nhãng thay vì không thể rút ra khỏi chúng. Chúng ta cần biết đâu là điểm dừng. Những trò tiêu khiển cần được lên kế hoạch và kiểm soát. Chúng ta không thể cứ mãi say sưa trong đó.

Hầu hết mọi người dành phần lớn thời gian của mình đắm đuối vào những trò giải trí mà thậm chí không nhận ra. Tôi cũng vậy. Vào một bữa ăn tối hôm trước, tôi rút điện thoại ra xem lịch và điều tiếp theo tôi làm là lướt web xem một diễn đàn về trò chơi điện tử trên Reddit. Trong lúc đó, vợ tôi đang nhìn chằm chằm vào tôi như kẻ mất hồn.

Giờ thì đỡ hơn rồi. Tôi chỉ mất hồn khoảng 23 lần trong ngày. Thỉnh thoảng, tôi mở Facebook, rồi mở một tab khác và theo bản năng gõ đường link Facebook, cái trang web mà rõ ràng là tôi đang coi nãy giờ. Tôi còn chẳng nhận ra mình làm vậy, nhưng tâm trí tôi theo một cách nào đó không còn thuộc về mình nữa.

Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình biết cách sử dụng thời gian của mình. Nhưng hóa ra đó chỉ là lầm tưởng. Chúng ta nghĩ rằng mình năng suất hơn những gì xảy ra trong thực tế nhưng sự thật không phải như vậy: các nhà khoa học đã có một nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết mọi người chỉ làm việc 3 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại chỉ là ngồi nghịch linh tinh. Chúng ta nghĩ rằng mình dành nhiều thời gian với bạn bè và người thân nhiều hơn thực tế. Chúng ta nghĩ rằng mình đang sống cho thực tại, rằng mình biết lắng nghe, chu đáo và thấu hiểu. Nhưng sự thật là, chúng ta đều tệ ở những khoản này.

Bây giờ, rất nhiều người đã cố gắng loại bỏ sự sao nhãng trong cuộc sống, nhưng thực ra điều này hơi tiêu cực. Cách tiếp cận này này giống như một hành vi tự huỷ (và khả năng cao là ta còn làm tổn thương những người xung quanh trong quá trình này).

Mục tiêu của ta không phải là đánh bại những thú vui tiêu khiển, mà nên là nhận thức và điều tiết nó.

Thay vì xin nghỉ phép để chơi điện tử cả ngày, bạn có thể để dành những trò chơi đó vào lúc rảnh rỗi giúp bạn thỏa mãn. Bạn có thể lướt điện thoại nếu đó là những gì não bạn đòi hỏi, miễn là bạn nhận ra mình đang làm gì và có thể đưa nó về tầm kiểm soát khi cần.

Mục đích ở đây là loại bỏ sự cám dỗ. Nhưng để loại bỏ cám dỗ, trước tiên bạn phải biết là nó đang tồn tại.

Nhiều năm liền, tôi có thói quen mang theo iPod và đeo tai nghe mỗi khi đến nơi công cộng. Đi ra khỏi nhà mà không có chúng khiến tôi cảm giác rằng mình “trần như nhộng”. Suốt những năm tháng ấy, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là mình thích nghe nhạc hơn người khác, rằng tôi có sự kết nối đặc biệt với âm nhạc mà những kẻ khác chẳng hiểu được.

Nhưng thật ra, đây chỉ là một loại thôi thúc mà tôi chẳng thể nào kiểm soát. Tai nghe chính là cách mà tôi bảo vệ bản thân khỏi thế giới xung quanh. Nó chẳng phải là đam mê gì mà chính là nỗi sợ. Đứng gần những người lạ mà không đeo tai nghe khiến tôi cảm thấy bồn chồn như thể mình bị bóc trần.

Đừng vội đánh giá quan sát của chính mình. Đây chính là cấp độ 1 của việc tự nhận thức. Bạn cần phải biết tâm trí mình đang ở đâu và vào lúc nào, trước khi tự hỏi tại sao nó lại ở đó và liệu rằng nó đang giúp đỡ hay đang làm bạn khốn khổ.

Cấp độ 2: Bạn đang cảm thấy cái quái gì thế?

Cấp độ 2 của tự nhận thức là khi nhận biết đâu là cảm xúc cần xử lý, đâu là cảm xúc bạn nên bỏ qua và bắt đầu quản trị chúng

Bạn có bao giờ cảm thấy muốn phát điên lên, nhưng khi ai đó hỏi tại sao thì phản ứng của bạn là “KHÔNG HỀ! TÔI KHÔNG HỀ TỨC GIẬN! TÔI ỔN! TÔI CHỈ MUỐN ĐẬP VỠ CÁI MÀN HÌNH MÁY TÍNH THÔI!”

Thường thì mọi người sẽ nhận ra rằng, càng cố phủ nhận cảm xúc bao nhiêu thì chúng lại càng dằn vặt ta bấy nhiêu. Đó là lý do thiền định hay khiến mọi người phát hoảng. Thiền đơn giản là việc bạn rèn luyện tâm trí để trở nên ít sao nhãng hơn và tăng khả năng tập trung vào thực tại. Kết cục là một số người bị quá tải bởi cảm xúc mà họ đã tích tụ quá lâu.

Trị liệu tâm lý cũng có hiệu ứng tương tự. Nhưng thay vì dành hàng giờ ngồi trong tĩnh lặng để kiểm soát tiếng nói bên trong, bạn nói chuyện với chuyên viên tư vấn về cảm xúc của mình, cho đến khi bạn không thể nào kiềm nén được nữa và bật khóc như một đứa trẻ.

Cấp độ 2 của việc tự nhận thức là khi bạn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “bạn là ai?”. Tôi không ưa khi phải dùng đến câu này bởi vì nó chẳng có nghĩa gì cả, nhưng đây chính là giai đoạn mà mọi người “đi tìm chính mình” - khám phá cảm nhận của bản thân về những gì đang diễn ra trong cuộc sống, điều mà họ đã kìm nén trong hàng năm trời.

Phần lớn mọi người sống hờ hững ở cấp độ 1. Họ làm theo những gì được bảo, họ đi theo hướng người khác chỉ. Họ đánh lạc hướng bản thân bằng những trò tiêu khiển. Họ không cho mình cơ hội được thể hiện cảm xúc và phản ứng lại với những gì đang diễn ra xung quanh.

Khi mọi người loại bỏ được rào cản này, họ bắt đầu nhận ra rằng mình vô cùng nhạy cảm và chưa bao giờ cho phép bản thân được bộc lộ cảm xúc. “Ôi chết thật, mình thật nhạy cảm và buồn quá nhiều, mẹ kiếp, mình chẳng bao giờ cho mình được có cảm xúc bởi vì nó làm mình trông thật yếu đuối và thảm hại, nhưng chính nỗi buồn mới là một phần khiến mình khác biệt.” Cấp độ 2 là một nơi không hề dễ chịu. Mọi người dành hàng năm trời làm tâm lý trị liệu ở cấp độ này. Trở nên thoải mái với cảm xúc của mình là một việc tốn thời gian. Quay lại quá khứ, nhớ về những cảm xúc này và thừa nhận sự tồn tại của chúng đòi hỏi rất nhiều sự tập trung lẫn nỗ lực.

Nhưng cũng rất nhiều người mắc kẹt ở Cấp độ 2. Họ nghĩ rằng Cấp độ 2 là sâu nhất và họ cứ tiếp tục đào sâu và lạc lối, chìm đắm trong biển cảm xúc cho tới cuối đời.

Có nhiều lý do dẫn đến việc này.

Đầu tiên, cảm xúc là một thứ rất mạnh mẽ, đặc biệt là với những người đã đè nén cảm xúc của mình trong phần lớn cuộc đời thì việc bỗng nhiên được khai mở sẽ khiến họ cảm thấy cuộc sống của mình đã thay đổi và trở nên sâu sắc hơn.

Và kết quả là rất nhiều người bắt đầu xào xạo ra những câu chuyện kiểu như đây là cấp độ tối cao của việc tự nhận thức. Và họ thậm chí còn đi xa tới mức coi nó là “thức tỉnh ở mức độ tinh thần”. Họ bắt đầu gọi nó bằng những ngôn từ rất hoa mỹ như “cái chết của bản ngã” hay “ý thức siêu việt” hay “ý thức cao hơn”.

Nhưng đây là một cái bẫy. Cảm xúc, ngay cả khi bạn nhận thức được, thì thường a) là bất tận, không có điểm dừng và b) chưa chắc là đã có bất kì ý nghĩa gì cả. Ý tôi là, có lúc thì nó thực sự có ý nghĩa, nhưng đôi khi nó cũng hoàn toàn ngẫu nhiên.

Ví dụ như bây giờ hãy nhìn vào chú cún con này.

Chú cún con Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy nó. Nhưng điều này có ý nghĩa gì không? Dĩ nhiên là không rồi, nó chỉ là một con chó thôi. Nhưng rất nhiều người cố gắng gán ý nghĩa sâu xa hơn cho bất kì cảm xúc nào trỗi lên trong họ. Đó là một sai lầm đơn giản nhưng chí mạng. Họ tưởng rằng bởi vì một số cảm xúc là quan trọng, nên tất cả những gì họ cảm thấy đều phải có ý nghĩa. Nhưng điều đó không hẳn đã đúng. Rất nhiều cảm xúc của chúng ta là vô nghĩa, hoặc là một loại sao nhãng.

Đúng vậy, cảm xúc cũng có thể là một hình thức sao nhãng. Thế sao nhãng khỏi thứ gì? Sao nhãng khỏi những cảm xúc khác.

Cảm xúc không phải lúc nào cũng có ý nghĩa. Đừng để bản thân mắc kẹt trong cảm xúc

Cấp độ 3 - Bạn có biết điểm mù của mình là cái quái gì không?

Càng nhận thức rõ về cảm xúc và khao khát của bản thân, bạn càng nhận ra một sự thật: bạn chẳng ra làm sao cả.

Chúng ta nhận ra rằng phần lớn những suy tư, quan điểm và hành động của chúng ta ít khi phản ánh những gì mà ta cảm thấy lúc đó. Nếu tôi đang xem một bộ phim với vợ và tôi thấy cáu kỉnh khó chịu với biên tập viên của tôi vào buổi trưa, tôi sẽ quyết định rằng bộ phim này chán òm. Vợ tôi càng cố thuyết phục tôi rằng phim này rất hay thì tôi càng muốn tranh luận với nàng về nó - bởi vì nó bỗng nhiên trở thành cách để tôi hợp lý hoá cơn giận của mình.

(Sẵn tiện, nếu bạn thắc mắc tại sao chúng ta lại hay gây sự với những người mình yêu thương nhất, thì là một phần lý do: chúng ta dùng họ như một cái “bao cát" để trút mớ cảm xúc hỗn độn trong lòng mình, mặc kệ việc họ có xứng đáng với những cảm xúc đó hay không - mà thường là không).

Chúng ta thường nghĩ rằng mình là một người có tư duy độc lập và lý trí dựa trên các bằng chứng và sự thật, nhưng thực tế là não chúng ta dành hầu hết thời gian chỉ để tìm cách biện minh cho những gì trái tim đã lên tiếng và đưa ra quyết định. Và sẽ chẳng có cách nào để sửa chữa việc này nếu bạn không học cách lắng nghe con tim mình.

Nhận thức của chúng ta thường sai lệch, và dưới đây là một số lý do tôi tóm tắt:

  • Trí nhớ của chúng ta thường không đáng tin và thường sai lầm, đặc biệt là khi phải nhớ những gì chúng ta cảm thấy ở một nơi nào đó hoặc một lúc nào đó. Khả năng dự đoán suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta trong tương lai thậm chí còn tệ hơn.
  • Chúng ta luôn đánh giá bản thân mình quá cao. Trên thực tế, như một quy luật cơ bản, chúng ta càng tệ về cái gì, chúng ta càng nghĩ rằng mình giỏi thứ đó, và những thứ mà chúng ta nghĩ rằng mình tệ, thì hóa ra mình lại rất giỏi.
  • Những bằng chứng mâu thuẫn thường có thể khiến chúng ta chắc chắn hơn về quan điểm của mình thay vì làm ta đặt câu hỏi về nó.
  • Sự chú ý của chúng ta tự nhiên chỉ tập trung vào những thứ đã gắn liền với niềm tin trước đây. Đây là lý do tại sao hai người có thể quan sát chính xác cùng một sự kiện và có hai luồng ký ức hoàn toàn mâu thuẫn với nó (nghĩ về hai người hâm mộ hai đội bóng đối đầu nhau và họ luôn cố gắng tìm cách thuyết phục mình rằng quả bóng nằm trong hay ngoài vạch.)
  • Rất nhiều người trong chúng ta, khi có cơ hội, sẽ nói dối một chút để đạt được kết quả tốt hơn. Đôi khi chúng ta còn nói dối chính bản thân mình.
  • Chúng ta mù tịt trong việc ước tính các con số, đưa ra các quyết định đánh đổi giữa lợi ích-chi phí, hay lý giải như phần lớn dân số. Thật là vừa buồn cười và vừa đáng buồn khi chúng ta tệ trong việc này.
Danh sách còn có thể dài nữa nhưng tôi sẽ tạm dừng ở đó. Tựu trung cả tôi, cả bạn và tất cả mọi người đều dở tệ. Cả loài người đều như thế. Và lúc nào cũng thế. Điều quan trọng là chúng ta tự nhận thức về điều đó. Nếu chúng ta biết về điểm yếu của mình thì nó sẽ không còn là điểm yếu nữa. Còn không, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của chính những lỗi sai trong tâm trí mình.

Chúng ta học được gì từ những điều trên?

  1. Hãy khiêm tốn. Trừ khi bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực, không thì khả năng cao là trực giác và giả định của bạn đều sai. Thứ bạn có thể làm trước khi nói ra điều gì đó là tự nhắc nhở “Những gì mình nghĩ có thể sai”. Điều này sẽ khiến bạn trở nên cởi mở và hiếu kỳ hơn với mọi thứ, là cách mà bạn học hỏi và kết nối với thực tại.
  2. Bớt nghiêm trọng hóa vấn đề. Phần lớn suy nghĩ và hành vi chỉ là cách bạn phản ứng với những cảm xúc khác nhau. Và chúng ta đều biết rằng cảm xúc của mình thường sai và/hoặc vô nghĩa.
  3. Nhận thức về thói xấu của mình. Khi tức giận, tôi trở nên lý sự và ngạo mạn. Khi buồn, tôi mặc kệ mọi thứ và chỉ chơi game. Khi tội lỗi, tôi không ngừng nói đạo lý với tất cả mọi người. Tật xấu của bạn là gì? Tâm trí bạn lang thang ở đâu khi cảm thấy buồn, tức giận, tội lỗi hoặc lo lắng?
    Hãy xét lại cách mà bạn thường dùng để đối phó với những cảm xúc trên, nó sẽ mách bảo những lúc bạn đang cố gắng làm bản thân sao nhãng.
    Tôi nhận ra rằng khi vui vẻ và khỏe mạnh, tôi thích chơi game vài giờ mỗi tuần. Nhưng mỗi khi say sưa đến mức chơi thâu đêm và bỏ bê công việc, thường là vì tôi đang cố trốn tránh một vấn đề trong cuộc sống. Đây chính là dấu hiệu mà tôi phải khựng lại để lý giải xem chuyện gì đang diễn ra với mình.
  4. Nhận ra những vấn đề mà bạn tự tạo cho mình. Vấn đề lớn nhất của tôi chính là không thể nào nói ra cơn giận hoặc nỗi buồn của mình. Tôi thà trốn tránh nó bằng game hoặc gây hấn thụ động với những người xung quanh. Mà hai cách này đều chẳng giúp ích được gì. Tôi đã học cách nhận ra mỗi khi mình bắt đầu thói xấu này và tự nhắc "Mark, cứ buồn là mày lại làm thế này, rồi lúc nào cũng hối hận vì không chịu tâm sự với người khác." Và rồi tìm một người để trò chuyện.
  5. Hãy thực tế. Không phải bắt bạn dẹp bỏ thiếu sót trong phản ứng tâm lý của mình, mà bạn cần hiểu về nó để tự điều chỉnh cho phù hợp. Cảm xúc cũng giống như các kỹ năng vậy, sẽ có những cảm xúc mà bạn thành thạo hơn các cảm xúc còn lại
Một số người không biết xử lý niềm hạnh phúc nhưng lại giỏi kiểm soát cơn giận. Số khác chẳng bao giờ thấy chán nản nhưng lại vật vã với cảm giác tội lỗi. Vậy cảm xúc nào là thế mạnh và điểm yếu của bạn? Những định kiến và phán xét của bạn đến từ đâu? Bạn làm cách nào để vượt qua hoặc đánh giá lại chúng?

Và nếu bạn cảm thấy quá rắc rối, một trong những cách để nhận ra những điểm mù trong nhận thức của bạn là nhận phản hồi từ người khác.

Người ngoài nhìn vào thì lúc nào cũng tốt hơn so với bản thân, đặc biệt là với bạn bè và gia đình ở gần chúng ta. Hãy hỏi họ một cách đơn giản và an toàn (ý tôi là bạn đừng doạ họ), bạn có thể khám phá được rất nhiều góc nhìn để tự nhận thức về chính mình.

Làm thế nào để tăng sự tự nhận thức?

Khi đã đọc đến phần này, nhiều người sẽ bắt đầu ngẫm lại và nhận ra những cái bẫy ích kỷ trong tâm trí, lẫn những cảm xúc và suy nghĩ chẳng ra sao của mình. Họ bắt tay vào thực hành khám phá chính mình, cởi mở với mọi cảm xúc, để rồi rút ra được bài học chốt hạ: “Mình chỉ là một đứa tệ hại.”

Họ nhìn thấy được mọi sai sót của bản thân, nhận ra những thiên kiến trong tư duy và các cơ chế phi lý trí của họ luôn diễn ra, và họ bắt đầu kiểm soát được những sao nhãng và cảm xúc yếu đuối trong mình.

Và rồi họ ghét tất cả những điều đó. Tất cả mọi thứ. Và họ sẽ ghét chính bản thân mình.

Rõ ràng là việc đi đi lại lại và tự chửi mình là một thằng chó cho mỗi suy nghĩ và cảm xúc không phải là thứ mà tôi gọi là đỉnh cao của sức khoẻ tinh thần.Thực tế, nếu bạn cứ làm vậy, trớ trêu thay, bạn sẽ trở nên thực sự tồi tệ.

Phán xét bản thân mình chỉ vì không kiểm soát được cảm xúc hay có những ý nghĩ ích kỉ cũng là một cái bẫy bởi vì khi phán xét bản thân, chúng ta có cảm giác như mình đang tự nhận thức được mình. Bạn thầm nghĩ “Ồ mình đúng là một thằng khốn nạn trong buổi họp đó bởi vì Cái Tôi của mình bị đe dọa. Mình khốn thật.” Và có những tiếng vỗ tay trong đầu bạn bởi vì bạn cảm thấy mình như một vị thánh, bạn thấy thật tự hào khi nhận ra mình thiếu sót và tồi tệ như thế nào trước những người xung quanh.

Nhưng không. Điều đó không phải thứ mà tôi muốn nói.

Nếu bạn không thể chấp nhận mình, quá trình tự nhận thức trước đó chỉ lãng phí.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: tự nhận thức bản thân không khiến người ta hạnh phúc hơn, có lúc nó còn khiến người ta ngày càng đau khổ hơn. Bởi vì nếu sự tự nhận thức đi kèm với phán xét bản thân, vậy thì bạn chỉ đang nhận thức rõ hơn tất cả những khía cạnh mà bạn đáng bị phán xét.

Những cơn bùng phát cảm xúc và những thiên kiến nhận thức này tồn tại trong mỗi chúng ta, mọi lúc và mọi nơi. Bạn không phải là người xấu vì bạn có nó. Người khác cũng không phải là người xấu vì họ có nó. Họ chỉ là con người. Và bạn chỉ là con người.

Đích đến của việc tự nhận thức nên là thấu cảm

Triết gia Plato từng nói, cái ác đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết. Những kẻ xấu xa nhất, tồi tệ nhất trong lịch sử, họ tồi tệ không phải bởi vì họ có khiếm khuyết mà bởi vì họ không nhận ra khiếm khuyết của mình.

Tôi từng đọc một mẩu tin tức về một người theo một thuyết âm mưu nào đó tin rằng tất cả những vụ xả súng hàng loạt đều được dàn dựng. Tay này đã thực sự tìm đến nơi xảy ra các vụ xả súng hàng loạt và đối chất với mẹ nạn nhân. Người đó đứng trước mặt cha mẹ của những đứa trẻ bị nạn và gọi họ là kẻ dối trá.

Tôi không thể tưởng tượng được một giới hạn nào cho sự “xấu xa”, “cặn bã của loài người” hơn người này.

Tuy nhiên, sự xấu xa của anh ta không phải là kết quả của một lựa chọn có lý trí hay là phi lý trí. Anh ta không nhận thức được sự vô lý trong chính suy nghĩ của mình. Anh ta còn chưa ở Cấp độ 1. Cấp độ 2 sẽ dọa anh ta chết khiếp bởi vì thừa nhận sự thật rằng xả súng hàng loạt - những thứ khủng khiếp và vô nghĩa - có thể xảy ra ngay bên cạnh anh ta và dọa anh ta chết khiếp đến nỗi tâm trí anh ta không thể chịu nổi. Và chắc chắn là anh ta chẳng ở Cấp độ 3 nơi mà anh ta có thể nhận ra rằng thuyết âm mưu của anh ta được tạo ra bởi những niềm tin phi lý và những giả định không thể xảy ra để bảo vệ anh ta khỏi những cảm xúc ở Cấp độ 2.

Khi bạn nhìn ở góc độ này, bạn sẽ thấy tội nghiệp cho chàng trai. Bạn sẽ thấy anh ta phải chịu đựng về mặt tâm lý và sự chịu đựng đó đã khiến anh ta làm những điều khủng khiếp, khủng khiếp với những người là nạn nhân của anh ta.

Và một khi nhìn nhận được như vậy, bạn đã biết cách thấu cảm với người khác.

Thấu cảm chỉ có thể xảy ra khi bạn biết chấp nhận chính mình.

Chấp nhận được những khiếm khuyết trong cảm xúc và tâm trí của mình, chúng ta mới có thể nhìn vào những khiếm khuyết trong cảm xúc và tâm trí của người khác. Và thay vì phán xét hoặc thù ghét họ, bạn sẽ cảm thấy đồng cảm với họ. “Ồ, anh ấy cũng đang rất khổ sở. Tôi cũng đã từng tin vào mấy thứ nhảm nhí đó. Tôi tự hỏi anh ta đang chạy trốn khỏi cái gì”

Điều này không phải để nói là đồng cảm và lòng trắc ẩn sẽ giải quyết mọi xấu xa trên thế giới. Sẽ không thể như thế. Nhưng ít nhất là mọi chuyện sẽ không tệ hơn.

Có một câu nói tuy nhàm nhưng đúng, đó là bạn yêu thương bản thân chừng nào thì mới có thể yêu thương người khác chừng ấy. Tự nhận thức về bản thân mở ra cho chúng ta cơ hội để yêu thương và chấp nhận bản thân. Ừ thì đôi khi tôi thiên vị. Ừ thì, tôi không kiểm soát được cảm xúc của mình, nhưng không sao cả. Vì tôi chấp nhận những thiếu sót đó ở bản thân, nên tôi có thể chấp nhận và tha thứ những thiếu sót đó ở người khác. Và chỉ như thế tình yêu thật sự mới có thể đến.

Nếu chúng ta từ chối chấp nhận bản thân mình như chính nó, chúng ta sẽ mãi tìm về những thứ tiêu khiển và khiến mình sao nhãng. Tương tự, chúng ta cũng không thể chấp nhận bản chất của người khác, và rồi ta tìm cách thao túng họ, thay đổi họ hoặc thuyết phục họ trở thành một kiểu người khác bản chất vốn có của họ, để rồi các mối quan hệ giữa người với người sẽ trở thành giao dịch có điều kiện, trở nên độc hại và cuối cùng đổ vỡ.

Nguồn: MarkManson

Self Hiil tổng hợp và biên tập lại từ hai bản dịch của Trạm ĐọcVietcetera.
https://vietcetera.com/vn/3-cap-do-cua-tu-nhan-thuc-phan-1-ban-can-biet-khi-nao-minh-sao-nhang
https://vietcetera.com/vn/3-cap-do-cua-tu-nhan-thuc-phan-2-ban-can-biet-khi-nao-minh-can-ngung-chim-dam-trong-cam-xuc
https://vietcetera.com/vn/cap-do-3-cua-tu-nhan-thuc-ban-can-biet-cach-minh-doi-pho-voi-cam-xuc
https://vietcetera.com/vn/dich-den-cua-tu-nhan-thuc-nen-la-chap-nhan-ban-than