parallax background

Làm sao giải quyết triệt để vấn nạn học vẹt cho trẻ lớp 1?

Con học vẹt – học trước quên sau – học không tập trung?

Một chương trình tiền tiểu học chú trọng vào trang bị tư duy khoa học sẽ giúp giải quyết dứt điểm 3 vấn đề muôn thuở này của các em học sinh lớp 1.

Thay vì hướng đến mục tiêu thuộc bảng chữ cái, biết đánh vần, biết viết và làm tính, giai đoạn tiền tiểu học là thời điểm vàng để trẻ hình thành hệ thống các khái niệm mới mang tính khoa học và cách tư duy giải quyết vấn đề để trẻ tự tìm cách chinh phục các bài tập, kì thi mà không cần học sớm, học vội khiến cho trẻ cảm thấy quá sức.

Bài viết này sẽ phân tích và chia sẻ một cách khái quát những nguyên tắc để trang bị tư duy Toán, tiếng Việt, tập viết cho trẻ trong giai đoạn tiền tiểu học và lớp 1.

hoc-toan-vet

1. Tư duy Toán

  • Làm tính 36 + 9 = 369.
  • Muốn biết số liền trước, liền sau thì đếm từ đầu dãy số 1, 2, 3,… cho đến số cần biết.
  • Không biết làm toán tách – gộp.
  • Gặp khó khăn khi làm tính cộng trừ có nhớ
  • Biết làm tính cộng trừ nhưng không biết giải toán có lời văn.

Vì sao rất nhiều trẻ thường gặp những vấn đề này khi học toán lớp 1?

Vì trẻ đã bị học vẹt.

Hãy hình dung một đứa trẻ lần đầu tiên nó nhìn kí tự “1” và được người lớn chỉ là “đây là số 1” rồi trẻ lặp lại. Vậy trong đầu đứa trẻ đó, số một là gì? Có phải số 1 là một cây gậy có một “cọng tóc” trên đầu?

Rồi tại sao liền sau số 1 là số 2 mà không phải là số 0 hay số 3? Có phải là do người lớn dạy số 1 trước rồi mới dạy số 2? Hay là do đếm 1, 2, 3 mới đúng nên số 2 là số đứng liền sau số 1? Có bao nhiêu bé ý thức được rằng số 2 đứng liền sau số 1 là vì số 2 lớn hơn số 1 một đơn vị về lượng? Có bao nhiêu bé có thể nói tự tin trả lời câu hỏi “vì lớn hơn nên đứng sau hay vì đứng sau nên lớn hơn?”

Nếu “đếm vẹt” 1, 2, 3, 4, 5… mà không biết bản chất của số và phép đếm, các con số trở nên rời rạc, xa lạ và khó nắm bắt. Trẻ sẽ phải ghi nhớ một dãy số theo thứ tự cố định như một lối mòn trong tâm trí. Mỗi lần gặp các câu hỏi, trẻ sẽ men theo đúng con đường mòn ấy để tìm ra con số mình cần chứ không biết cách tư duy để đi thẳng đến đáp án hay tìm những cách khác. Sau đó, đến làm phép cộng, trẻ cũng không ý thức rõ mình cần cộng về lượng chứ không phải cộng các nét viết lại với nhau theo kiểu 36 + 9 = 369.

Còn vấn đề trẻ làm tính cộng tính trừ nhoay nhoáy nhưng không giải được các bài toán tìm thành phần chưa biết hay bài toán có lời văn thì sao? 

Muốn biết điều này, ta cần phân biệt giữa làm toán và làm tính. Làm toán và làm tính khác nhau như thế nào?

Làm toán là giải một bài toán. Theo ngôn ngữ cuộc sống, bài toán là vấn đề. Làm toán chính là tìm cách giải quyết vấn đề một cách chính xác và tường minh bằng ngôn ngữ toán học. Còn làm tính chỉ là phần kỹ thuật để thực hiện cách giải quyết đó.

Ví dụ khi cần giải một bài toán tìm số kẹo mình đã cho một người bạn, ta có thể vận dụng quy trình giải quyết vấn đề để giải bài toán bằng 6 bước như sau:

      • Bước 1: Xác định thành phần đã biết, thành phần chưa biết và diễn đạt theo ngôn ngữ toán. Cái đã biết là số kẹo ban đầu (toàn thể), số kẹo còn lại sau khi cho (bộ phận), và cái chưa biết là số kẹo đã cho (bộ phận).
      • Bước 2: Xác định cách làm. Muốn tìm bộ phận chưa biết ta lấy toàn thể trừ đi bộ phận đã biết.
      • Bước 3: Đặt tính. Số kẹo đã cho = 54 – 7
      • Bước 4: Làm tính. Ta có thể tính nhẩm bằng kỹ thuật bớt đi cho tròn chục hoặc bấm máy tính, excel để cho ra kết quả là 44
      • Bước 5: Thử lại. Lấy 44 + 7 xem có bằng 54 không.
      • Bước 6: Kết luận. Mình đã cho 44 viên kẹo.

Trong quy trình giải quyết vấn đề này, làm tính chỉ là bước số 4 để ra kết quả về mặt con số. Bước này có thể được làm bằng máy tính nhưng để thực hiện các bước còn lại trong quy trình thì trẻ cần tư duy và kết nối ngôn ngữ đời sống với toán học. Tức là trẻ cần biết bản chất các khái niệm toán học đó là gì trong cuộc sống. 

Các khái niệm như số tự nhiên, phép đếm, phép cộng và biết phép trừ là thao tác ngược của phép cộng là những khái niệm toán học quan trọng, và trẻ hoàn toàn có thể học được ở giai đoạn tiền tiểu học thông qua các phương pháp phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trong đó chú trọng vào phương pháp học toán qua làm toán với các đồ vật thân quen bằng chính đôi tay của mình trước khi làm toán với sơ đồ và hệ thống kí hiệu. Có thể nói trang bị tư duy toán cho trẻ là một việc tiên quyết cần làm. Khi có tư duy toán học, dù bài toán bị thay đổi thành phần hay diễn đạt khác đi, trẻ vẫn sẽ tự tìm cách giải được. Hơn thế nữa, làm toán đúng cách giúp trẻ hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề một cách logic. Nên thông qua làm toán đích thực, trẻ hình thành năng lực để giải quyết những “bài toán” trong cuộc sống một cách có phương pháp.
hoc-co-tu-duy
Tham gia Cộng đồng Coach Con Vui Học do Self Hiil tổ chức

2. Tư duy tiếng Việt

  • Không thuộc được bảng chữ cái. Khi thuộc bảng chữ cái thì chỉ vào một chữ bất kỳ lại không nhớ. Cứ như là trẻ muốn “chọc tức” ba mẹ.
  • Không biết đánh vần. Khi đánh vần được thì lại không thể đọc trơn. Thật không thể hiểu nổi!
  • Có hình minh hoạ thì đọc được, không có hình thì ú ớ.
  • Viết chính tả chậm hoặc sai “từa lưa hột dưa”. Nhắc hoài vẫn vậy.
  • Không thích học tiếng Việt nữa. Đến giờ học là con buồn ngủ, con ngứa, con đi vệ sinh!
  • Nghỉ hè vô là quên muốn hết trọi. Không biết bổ túc từ đâu.

Nguyên nhân của những khó khăn này vẫn nằm ở chỗ trẻ đang học vẹt chứ không được chuẩn bị tư duy tiếng Việt đúng nghĩa.

Hãy cùng xem xét tiến trình học tiếng Việt của hầu hết các trẻ.

Trước 5 tuổi, trẻ nghe và nói được tiếng Việt một cách tự nhiên nhờ “bắt chước” những người xung quanh. Khi sắp vào lớp 1, trẻ sẽ được cho đọc chữ. Tức là trẻ nhận diện hình dáng chữ và phát âm theo thứ tự a, b, c rồi đến học cách đánh vần, đọc trơn, tập chép và cuối cùng là viết chính tả. Đây là tiến trình Nghe – Nói – Đọc – Viết. Rất quen thuộc phải không?

Để cảm được khó khăn của trẻ khi học theo tiến trình Đọc – Viết từ chữ sang âm này, bạn hãy hình dung mình đi học tiếng Nhật hay tiếng Thái. Vào lớp cô giáo đưa cho một bảng chữ ngoằn ngoèo, hướng dẫn bạn học thuộc từng chữ rồi lâu lâu bốc ra một chữ loằn ngoằn kiểm tra xem bạn có nhớ đó là chữ gì không. Bạn cảm thấy thế nào? Đó là chỉ mới bước học thuộc bảng chữ cái chứa chưa đánh vần, tập đọc hay viết chính tả gì cả. Con phải dùng trí nhớ để tiếp thu một nhóm các chữ cái xa lạ theo một thứ tự cũng kỳ lạ không kém. Khi nỗ lực dùng trí nhớ nhiều mà không đem lại kết quả như mong muốn, bé sẽ cảm thấy dễ nản và tự ti với tiếng Việt.

Để có thể đọc thông viết thạo, đúng luật chính tả một cách vui vẻ nhẹ nhàng và không tái mù, trẻ cần học tiếng Việt một cách thuận tự nhiên.

Học tiếng Việt thuận tự nhiên là đi khám phá lại con đường mà nhân loại đã hình thành nên chữ viết và cách đọc, nhưng với phương thức tối ưu nhất.

Trong lịch sử, con người giao tiếp với nhau bằng nghe – nói và ngôn ngữ cơ thể trước. Sau đó, vì mục đích muốn lưu lại thông tin để tiện chia sẻ hoặc bảo tồn mà tìm cách mã hoá bằng các ký hiệu, nét vẽ. Lúc này chữ viết hình thành. Sau khi viết xong thì đọc lại cái mình đã sáng tạo ra.

Vậy ta thấy, viết là quá trình phân tích, “rã” cái tiếng mình nghe ra rồi mã hoá bằng kí hiệu gọi là chữ viết. Đọc là quá trình giải mã kí hiệu ra âm, “đúc” lại thành tiếng. Đọc chính là thao tác ngược của viết chứ không phải là một thao tác độc lập xuất hiện “giữa đường”. Nên tiến trình học tiếng Việt thuận tự nhiên là Nghe – Nói – Viết – Đọc.

Học theo tiến trình Nghe – Nói – Viết – Đọc là tiếp cận tiếp cận tiếng Việt từ âm-sang-chữ, tức là học phần “tiếng” trước rồi mới đến học mặt chữ. Bạn có thể hình dung sơ lược qua 3 giai đoạn như sau:

      • Giai đoạn 1: Trẻ lắng nghe và phân tích lời ăn tiếng nói hàng ngày để tách lời nói ra thành từng tiếng đơn lẻ, “tách” tiếng đơn lẻ ra các thành phần như thanh, phần đầu, phần vần. Trẻ “thấy” được cấu trúc 3 phần của một tiếng.
      • Giai đoạn 2: Trẻ dùng các giác quan cảm nhận tính chất của từng phần để phân loại thanh, nguyên âm, phụ âm. Nguyên âm luôn ở phần vần. Phụ âm đứng ở phần đầu hoặc kết hợp với nguyên âm tạo thành các loại vần.
      • Giai đoạn 3: Trẻ được giới thiệu từng chữ cái được quy ước dùng để ghi lại từng âm mình nghe được. Học được âm nào chữ nào thì viết chính tả tiếng có chứa âm đó theo quy trình nghe – nhắc lại – phân tích âm – viết – đọc lại. Rồi nhờ nắm được cấu trúc của 3 phần của một tiếng mà trẻ có thể “lắp ghép” các âm để đọc và viết như chơi lego. Học một biết mười là nhờ đây.

Học kiểu tự khám phá, tự sáng tạo, tự kiểm tra thật chuẩn thật chắc như một nhà khoa học ngữ âm này sẽ giúp trẻ đọc thông viết thạo một cách vui vẻ, tự nhiên. Từ một mẫu chuẩn về phương pháp học ngữ âm tiếng Việt, trẻ cũng sẽ dễ dàng tư duy về cách học các ngôn ngữ khác một cách vô thức.

3. Tư duy tập viết

Tô thì rất đẹp mà viết thì như cua bò, chữ cao chữ thấp, ốm mập lung tung, gôm lủng cả giấy, than mỏi tay đau lưng… là chuyện thường ngày ở huyện. Vì sao lại như vậy?

Vì “viết vẹt”.

Tập viết tưởng như là môn đơn giản nhất trong cả ba môn vì con chỉ cần bắt chước hình dáng có sẵn của chữ mẫu sao cho đúng nhất. Nhưng trong thực tế, tập viết là môn khiến “mẹ khóc, con khóc” và chia rẽ tình cảm gia đình nhất. Bởi thông thường, các bé sẽ làm quen với việc viết chữ bằng 2 cách:

      • Cách 1: Tập tô chữ bằng cách nối những nét đứt đã được in sẵn
      • Cách 2: nhìn các chữ mẫu và chép lại, thử – sai – sửa theo kiểu cảm tính, viết sai nhiều lần thì rút kinh nghiệm đến khi nào viết đúng và đẹp thì thôi.

Bản chất của cả hai cách này là bắt chước nên kém hiệu quả vì bé không biết nên bắt đầu từ chỗ nào, kết thúc ở đâu để viết một con chữ trọn vẹn. Nói nôm na là “viết mù”. Bé cứ mò mẫm thử sai sửa hết trang này sang trang khác làm mỏi tay và dễ nản. Với những bé thông minh và khéo léo, bằng cách nào đó bé cũng viết được chữ nhưng tư duy của bé vẫn là một điểm mờ.

Thật ra, viết chữ cũng như viết nói chung. Muốn viết đúng, viết đẹp thì phải viết có tư duy. Nếu như viết một bài văn, ta cần tư duy viết về cái gì? Gồm mấy ý? Ý nào trước, ý nào sau? Mở bài, thân bài, kết bài ra sao? Bài dài bao nhiêu thì ổn? Thì khi viết chữ, trước khi “bút sa”, trẻ cũng cần học cách phân tích chữ này là chữ gì? Cao mấy ly, rộng mấy li? Được tạo bởi các nét gì? Mỗi nét có điểm bắt đầu, điểm chuyển hướng, điểm dừng bút ở đâu? Trả lời những câu hỏi này chính là quá trình tư duy để viết được chữ. Khi con viết được vài lần rồi thì tay sẽ “nhớ đường” và trẻ sẽ viết như một thói quen.

Trong quá trình hướng dẫn trẻ mẫu giáo, có cô giáo “khoe” là tuy chỉ mới hướng dẫn bé tư duy để viết được đến nét móc hai đầu nhưng phụ huynh đã chia sẻ rằng, ở nhà trẻ đã viết chữ đẹp hơn, đều hơn dù trước đó đã đi học viết chữ một thời gian nhưng vẫn viết to nhỏ ngẫu hứng. Đây là một minh chứng rất thực tế cho sức mạnh của tư duy. Hễ trẻ đã hình thành được quy trình tư duy cho một việc gì đó thì trẻ sẽ tự nhiên vận dụng để giải quyết vấn đề “cùng hệ”.

Bên cạnh tư duy viết chữ theo cấu trúc như trên, một tư duy cũng ảnh hưởng khá lớn đến sự yêu thích viết chữ của trẻ nữa đó chính là “chữ dùng để ghi âm”. Tức là chữ là cái có sau, dùng để ghi lại âm thanh, lời ăn tiếng nói hàng ngày của mình. Giữa đứa trẻ muốn tìm cách viết về một người mình yêu thương – “ba”, và một đứa trẻ chỉ ngồi viết chữ b, chữ a rồi bẵng một thời gian sau mới học đánh vần bờ – a – ba thì bạn đoán đứa trẻ nào sẽ hứng thú học viết hơn?

Theo logic phát triển của ngôn ngữ thì chữ là cái có sau để ghi lại âm thanh. Muốn việc viết chữ được thuận tự nhiên, bé cần được hỗ trợ khám phá âm trước rồi mới gợi nhu cầu tìm cách viết lại âm vừa biết. Theo một logic tự nhiên như vậy, cùng với được viết về những cái thân thương quen thuộc xung quanh thì con cảm thấy hứng thú hơn với việc tập viết.

Ngoài 2 điều quan trọng về Tư duy tập viết như trên, Self Hiil còn đưa ra các quy tắc Tư thế – Toạ độ – Thái độ – Trình độ để tạo thành quy tắc 5T, giúp trẻ học viết vừa vui vừa nhanh ngay từ đầu. Bạn có thể tải tài liệu này để tham khảo chi tiết từng quy tắc và giáo án các tiết học viết nét.

Ngoài ra, ba mẹ có thể tham gia nhóm zalo Viết Vui – Viết Nhanh – Viết Đẹp để nhận thêm sự hỗ trợ và giải đáp thắc mắc về cách sử dụng giáo án tập viết từ Self Hiil.

Tham gia nhóm Zalo Viết vui - Viết nhanh - Viết đẹp!

4. Làm thế nào để con hình thành được các khái niệm và tư duy khoa học toán – tiếng Việt – tập viết?

Về nguyên tắc, muốn có cái gì vững chắc thì hãy cho con tự làm lấy. Để quá trình làm “khái niệm” được tối ưu, trẻ cần được hướng dẫn làm lại những gì mà các nhà khoa học đã từng làm để khám phá ra các khái niệm và hình thành tư duy đó, theo con đường ngắn nhất.

Để thiết kế ra được con đường tối ưu, cần đội ngũ “kiến trúc sư” có hội đủ 2 điều kiện: thấu về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ sư phạm hiện đại. Thấu về chuyên môn để chọn ra nhánh lý thuyết có tính ổn định, vững chắc của từng môn rồi “giải bài toán ngược” để tìm ra trật tự các việc làm. Giỏi về nghiệp vụ để chọn được phương pháp sư phạm phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Khi có được “bản thiết kế tối ưu” rồi, thầy cô chỉ cần điều hành lớp học hoặc ba mẹ chỉ cần hướng dẫn con theo đúng như giáo án là sẽ đạt được mức tiêu chuẩn. Sau vài lần triển khai, thầy cô và ba mẹ sẽ bắt đầu cảm được bản thiết kế và học sinh để linh hoạt sáng tạo cho giờ học trở nên hiệu quả hơn.

 

Nguyễn Thuỳ Liên

CEO, master coach & chuyên gia thiết kế chương trình tại học viện huấn luyện trực tuyến Self Hiil

Nhằm hỗ trợ tối đa cho các ba mẹ và thầy cô tiền tiểu học, Self Hiil đã phối hợp với Viện Công nghệ giáo dục để triển khai “bản thiết kế tối ưu” – chương trình huấn luyện Tư duy Tiền tiểu học.

Toàn bộ chương trình được thiết kế thành các hoạt động nhỏ gọn, dễ hiểu và theo trật tự tối ưu nên ba mẹ không cần học trước và không cần mất nhiều thời gian chuẩn bị.

Chỉ cần thực hành đều đặn 30-45 phút mỗi ngày cùng con trong vòng 3 tháng, ba mẹ đã giúp con xây dựng nền tảng tư duy vững chắc và chuẩn bị tâm lý vững vàng để con tự tin bước vào lớp 1. 

Đừng để con trở thành nạn nhân của “học vẹt” khi bạn có thể hành động khác đi, ngay bây giờ!